Hàng “xách tay” bày đầy trên phố

ANTĐ - Thay vì thông tin cho rằng, hàng xách tay hàng không đang trở nên khan hiếm thì tại nhiều tuyến phố, đồ dùng, hàng xách tay hàng không lại đang được bày bán ê hề. Thị trường hàng hóa tiêu dùng tràn ngập hàng xách tay mà người tiêu dùng khó có thể biết đâu là giả, đâu là thật.

Khó xác định nguồn gốc của hàng xách tay bày bán trên vỉa hè

“Hàng xịn” ngập vỉa hè 

“Hàng xịn giá rẻ” là lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn bất kỳ người tiêu dùng nào, nhất là khi sản phẩm ấy được gắn mác “hàng xách tay”. Được sản xuất ở nước ngoài, được xách tay về Việt Nam theo mối tin tưởng, số lượng có hạn thay vì nhập khẩu ồ ạt, bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài với giá bán phải chăng, hàng xách tay đánh trúng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. 

Gần như đủ 7 ngày trong 1 tuần, sạp hàng đồ dùng, hàng xách tay hàng không được mở bán tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm). Vừa mời khách, chị Nguyễn Thị Vui - chủ sạp hàng vừa giới thiệu: “Hàng của tôi toàn đồ hàng không xịn. Thứ gì cũng có, từ chăn, dép đi trong nhà đến dầu gội đầu, sữa tắm, nước rửa chén bát…”. 

Trên tấm bạt khoảng 1m2 là hàng chục mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó chiếm diện tích lớn nhất là các loại chăn màu xanh hoặc chăn kẻ xanh, sờ khá mềm mại giống như chăn trên máy bay của Vietnam Airlines với giá bán chỉ 120.000 đồng/ chiếc. Cạnh đó là các loại chai hộp lớn nhỏ được người bán giới thiệu là dầu gội đầu Kerasys Hàn Quốc, kem đánh răng Pháp, nước rửa tay Thái Lan, áo lót phụ nữ Hàn Quốc đều ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt và sấp giấy ăn khô in chữ Vietnam Airlines được bao gói thô sơ. “Tôi còn có một số mỹ phẩm của các nước nhưng không bày ra đây, chị có nhu cầu mua loại nào cứ nói tên tôi sẽ lấy cho” - chị Nguyễn Thị Vui nói. 

Cách sạp hàng trên khoảng 200m còn có một sạp khác treo biển “Đồ dùng hàng không và hàng xách tay không thuế chất lượng cao, giá rẻ”. Quả thực, giá nhiều mặt hàng tại đây “rất cạnh tranh” với sạp hàng trước. Giấy ăn 63.000 đồng/kg; chăn văn phòng 70.000 đồng/chiếc; chăn VIP 120.000 đồng/chiếc; chăn Hàn Quốc 75.000 đồng/chiếc… Ngoài ra còn có ví da, nước xịt phòng, nước rửa tay, dầu ô liu, dép đi trong nhà và mỹ phẩm cao cấp các nước với giá chỉ từ 40.000 đồng/sản phẩm. Khi khách hàng hỏi vì sao “hàng ngoại” mà giá lại “phải chăng” thế, nhân viên bán hàng cho biết vì hàng không thuế nên rẻ hơn. “Hàng ngoại về Việt Nam nếu có thuế thì giá thường cao gấp mấy lần giá nơi sản xuất. Không phải tính thuế thì người mua càng được lợi. Người bán chúng tôi chỉ lãi ít thôi” - người bán hàng cho biết. 

Hàng xách tay thường được hiểu là số lượng có giới hạn. Thế nhưng khi các sản phẩm chính hãng này tràn ra vỉa hè, biểu hiện của việc nguồn hàng về rất dồi dào, đã khiến không ít người đặt ra nghi vấn: nguồn gốc của hàng xách tay có đảm bảo? Mặt khác, thời điểm này, nhiều nguồn tin cho rằng hàng xách tay đang khan hiếm bởi ngành hàng không siết chặt kỷ luật, các lực lượng chức năng cũng đang ráo riết kiểm tra, xử lý hoạt động buôn bán hàng xách tay trốn thuế và không đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

Hàng quảng cáo xách tay nhưng không ai kiểm chứng

Thị trường vẫn bình thường

Thị trường hàng hóa xách tay vẫn hoạt động bình thường như trước khi có vụ lùm xùm tiếp viên hàng không Việt Nam Airlines bị nghi ngờ liên quan đến đường dây vận chuyển đồ trộm cắp tại Nhật Bản. Tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé H.D, sữa công thức, thực phẩm bổ sung, bỉm… cho trẻ vẫn dồi dào. Sữa bột Similac Advance, Similac Go&Grow, Enfagrow, Enfamil… đều không có nhãn phụ tiếng Việt vẫn được bày bán công khai.

Tương tự, tại cửa hàng mẹ và bé lớn trên phố Thái Hà, khách vẫn thoải mái mua sữa Nan của Nga, sữa chua Nga, Pháp… thực phẩm ăn dặm bổ sung cho trẻ mà không lo thiếu hàng, sốt giá. Chị Lê Quỳnh Anh (Xa La - Hà Đông) cho biết: “Tôi vẫn mua sữa xách tay tại cửa hàng này, giá cả phải chăng, cũng chưa gặp vấn đề gì về chất lượng”. 

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thu Nga - chủ shop hàng xách tay qua mạng, hàng xách tay hàng không thực tế có khan hiếm hơn do hoạt động này bị siết chặt. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với một số mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản. Một  mối buôn hàng xách tay của chị Nga cho biết: “Kể từ khi xảy ra sự việc lùm xùm liên quan đến tiếp viên hàng không, hàng Nhật khan hiếm hẳn, khiến giá tăng lên”. Ví dụ như tảo xanh Nhật Bản trước đây không thiếu nhưng giờ muốn lấy nhiều, cả thùng buộc phải đặt hàng trước cả tháng mới có. 

(Còn tiếp)