Hàng tăng giá, vì sao?

Giá một số mặt hàng tiêu dùng đã tăng nhẹ, nguyên nhân là do nhà sản xuất đã chịu “hết xiết” khi chi phí đầu vào liên tục tăng. Dự báo tới đây sẽ còn một số mặt hàng tăng giá.

Hàng tăng giá, vì sao?

Giá một số mặt hàng tiêu dùng đã tăng nhẹ, nguyên nhân là do nhà sản xuất đã chịu “hết xiết” khi chi phí đầu vào liên tục tăng. Dự báo tới đây sẽ còn một số mặt hàng tăng giá.

Lẳng lặng tăng giá!

Giá một số mặt hàng ở siêu thị đã tăng theo giá xăng. Trong ảnh: khách hàng chọn mua các loại thủy hải sản đóng hộp tại siêu thị Co-op Mart Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng 20-5
Giá một số mặt hàng ở siêu thị đã tăng theo giá xăng. Trong ảnh: khách hàng chọn mua các loại thủy hải sản đóng hộp tại siêu thị Co-op Mart Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng 20-5

Chủ một sạp tạp hóa tại chợ Cũ (Q.1, TP.HCM) cho biết: “Giá một số mặt hàng tăng một phần do khuyến mãi từ nhà sản xuất bị cắt giảm. Như trước đây, cửa hàng chị nhập về hai thùng nước mắm thì được tặng thêm một chai, người bán bớt cho người tiêu dùng khoảng 500 đồng/chai, giờ cắt phần tặng phải bán đúng giá”. Còn với mặt hàng dầu ăn, người bán hàng giải thích lý do giá tăng là do “nhà sản xuất đang tạm thời ngừng cung cấp hàng để điều chỉnh lại giá sản phẩm vì áp lực chi phí sản xuất tăng!”.

Tăng mạnh nhất hiện nay là hàng tươi sống. Theo ông Văn Đức Mười, phó giám đốc Công ty thực phẩm Vissan, giá thịt heo của hệ thống này tăng đồng loạt từ 1.000-2.000 đồng/kg từ 2-5 vừa qua. Giá thịt heo bán sỉ tại các chợ đầu mối Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), An Lạc (H.Bình Chánh) cũng tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg so với cao điểm tết.

Theo đại diện chợ đầu mối thịt heo An Lạc, giá thịt heo tăng mạnh hơn một tuần nay do nguồn hàng khan hiếm. Ngoài số heo được bán tháo sau đợt dịch sau tết vừa rồi thì một lượng heo đáng kể được các thương lái đánh hàng phục vụ tết Khơme. Mặt khác vật giá tăng cao, thức ăn gia súc, heo giống đều tăng... làm giá heo hơi xuất chuồng cao.

Tại các chợ bán lẻ, giá rau củ quả, thủy hải sản cũng chẳng kém, trung bình tăng 5.000-10.000 đồng/kg (tùy mặt hàng). Trong khi giá trứng gia cầm sau một thời gian đứng cũng đã tăng vọt 2.000-3.000 đồng/chục, giữ mức 18.000-20.000 đồng/chục (trứng gà tươi loại 2 của CP hoặc của cơ sở Thanh Nhân).

“Tăng giá phải có lộ trình. Giá sẽ được điều chỉnh ở mức hợp lý nếu công tác tổ chức thị trường, thu mua và phân phối sản phẩm được các doanh nghiệp xử lý hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Xuân Hải nhận xét. Theo ông Hải, mức tăng hợp lý trong bối cảnh khó khăn hiện nay khoảng 3-5% là vừa.

Còn mặt hàng nào tăng giá?

Các nhà kinh doanh cho rằng nguyên nhân tăng giá hiện nay không phải do giá xăng dầu tăng mà do giá nguyên liệu đầu vào tăng đã “tích tụ” từ đầu năm đến nay, giờ mới “bộc phát” khi giá xăng tăng thêm.

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết hơn 50% nhà cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị đã đồng loạt tăng giá bán kể từ đầu tháng năm tới nay với mức tăng phổ biến 3-5%. “Tăng mạnh nhất là sữa các loại và dầu ăn cùng một số mặt hàng tươi sống. Họ nói do giá xăng tăng nên mới điều chỉnh giá bán. Nhưng tôi thấy lý do này không thuyết phục lắm” - ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, trước khi giá xăng tăng đã có không ít nhà cung cấp “đòi” tăng giá bán vì nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng siêu thị đã đề nghị xem xét lại vì đây không phải là thời điểm thích hợp.

Bà Nguyễn Phương Thảo - giám đốc điều hành siêu thị Maximark Cộng Hòa (TP.HCM) - cũng cho rằng đợt tăng giá lần này chủ yếu là những doanh nghiệp chưa điều chỉnh trong đợt tăng giá sau tết, phần lớn tăng mức 5% ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến... do chi phí sản xuất tăng cao. “Dù điều chỉnh giá tăng nhưng hầu hết các nhà cung cấp đều trong thế nhìn nhau vì thị trường đang bước vào mùa mưa. Giá tăng trong bối cảnh dung lượng thị trường thấp cũng chẳng ích lợi gì” - bà Thảo nói.

Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Big C (khu vực phía Nam), cho biết danh sách điều chỉnh các mặt hàng thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau củ quả các loại cũng đã được các nhà cung cấp gửi đến siêu thị với mức tăng 10-20%. “Áp lực giá xăng tăng là có thật, nhất là với các mặt hàng nông sản thực phẩm và thực phẩm tươi sống. Nhưng giá tăng như thế là quá cao” - ông Hải nói. Hiện tại, một mặt Big C vẫn đang duy trì mặt bằng giá cũ, mặt khác tiếp tục thương lượng với nhà cung cấp để có được mặt bằng giá hợp lý nhất vào đầu tháng sáu tới.

Như Bình- Trần Vũ Nghi

Tuổi trẻ