Hàng nội vẫn bị "lấn sân"

ANTĐ - Sự kiện nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon khai trương đại siêu thị Aeon Mall Long Biên cuối tháng 10 vừa qua đánh dấu thêm bước xâm nhập mạnh mẽ của bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Với ưu thế có được từ uy tín của quốc gia, cộng với cách bài trí thân thiện, khuyến mãi linh hoạt, các nhà bán lẻ nước ngoài tiếp tục “uy hiếp” thị trường trong nước.

Hàng nội vẫn bị "lấn sân"  ảnh 1Hàng hóa thương hiệu nước ngoài ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt 
(Trong ảnh: Người tiêu dùng Việt xếp hàng chờ được mua các mặt hàng thực phẩm của Nhật Bản tại Aeon Mall Long Biên)

Xâm nhập thị trường bằng nhiều cách

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại. Trong đó, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm khoảng 86%, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 4% (khoảng 90 điểm bán hàng). Mặc dù vậy, doanh số bán ra một điểm của các doanh nghiệp FDI gấp 3-4 lần, thậm chí đến 7-8 lần so với một điểm của các siêu thị nội do quy mô lớn. Thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại hiện chiếm khoảng 30-35%.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho hay: “Sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới”. Trong vòng hơn 1 năm qua, nhiều vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã diễn ra.

Có thể kể đến là Aeon mua 49% của Citimart và 30% của Fivimart, Central Group của Thái Lan mua 49% của điện máy Nguyễn Kim; Nojima nắm giữ 31% cổ phần của điện máy Trần Anh. Bên cạnh đó, ngoài những vụ M&A đã thành công hay một số doanh nghiệp FDI khác đã khẳng định được tên tuổi tại thị trường Việt Nam như: Metro (Đức), BigC (Pháp), Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Robinson (Thái Lan) thì vẫn còn doanh nghiệp của một số nước khác cũng đang thăm dò để đầu tư vào Việt Nam như: tập đoàn Walmart (Mỹ), Emart (Hàn Quốc)… 

Theo ông Vũ Vinh Phú, khi xâm nhập thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp FDI chỉ có 2 điểm yếu. Một là, chưa tìm hiểu đầy đủ các tập quán tiêu dùng của người Việt Nam. Hai là, khó khăn về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở điểm bán lẻ thứ hai trở đi ở Việt Nam. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm yếu đó, các nhà bán lẻ nước ngoài đã nhanh chóng mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ trong nước. “Mặc nhiên, họ đã có sẵn trong tay một hệ thống mạng lưới tốt mà các doanh nghiệp Việt Nam đã gây dựng trong hàng chục năm. Số lượng các điểm bán của họ cũng tăng lên nhanh chóng, nên khó có một doanh nghiệp trong nước nào có thể bắt kịp tốc độ mở rộng chuỗi của họ”- ông Vũ Vinh Phú nói. 

Sức ép cạnh tranh lớn

Ngay sau khi siêu thị Aeon Mall Long Biên được khai trương, trên một số website bán hàng đã đăng tải thông tin khuyến mãi hàng tiêu dùng Nhật Bản, trong đó có rất nhiều loại đồ dùng nhà bếp, hóa mỹ phẩm... Các webiste này đều giới thiệu có gian hàng tại Aeon Mall Long Biên. Một chuyên gia kinh tế cho biết: “Aeon Mall Long Biên có cách bài trí vừa hiện đại, vừa thân thiện, gần gũi với người Việt. Tuy nhiên, đã có một số gian hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Nhật Bản.

Lượng hàng Nhật có thể ngày càng tăng lên”. Theo vị chuyên gia này, hàng Nhật Bản đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ lâu, nhưng khi có hệ thống bán lẻ uy tín của người Nhật, thì hàng Nhật sẽ vào thị trường nước ta bài bản hơn, nhiều hơn. Diễn biến này tương tự như sự có mặt của Lotte Mart đã mang theo nhiều hàng hóa có xuất xứ Hàn Quốc, hay việc tăng tỷ lệ hàng Thái Lan tại hệ thống bán lẻ có “ông chủ” là người Thái. Đương nhiên, trong bối cảnh này, hàng Việt sẽ ngày càng chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trên chính đất nước mình.

Trong khi đó, theo ông Vũ Vinh Phú, một số siêu thị lớn nội địa có mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa chưa bình đẳng như đòi hỏi chiết khấu cao, lên tới 20-30% và một số chi phí khác làm cho hàng hóa tự đẩy giá lên cao, khó cạnh tranh. Kéo theo đó, người tiêu dùng bị thiệt thòi, nhà sản xuất không được hưởng lợi nhuận một cách hợp lý. Hàng có chất lượng đủ tiêu chuẩn lại rất khó vào siêu thị để phục vụ nhân dân. “Đây là cơ hội tốt cho sự lấn lướt của hàng ngoại, ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại chia sẻ.

Theo ông Vũ Vinh Phú, cần có chính sách xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó là xây dựng mạng lưới bán lẻ hợp lý, vùng sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp. Mặt khác, tự thân doanh nghiệp phải thay đổi cách quản trị, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thực hiện liên kết tốt hơn mới có thể cạnh tranh. Khi hệ thống phân phối bán lẻ nội địa mạnh, hàng Việt mới có chỗ đứng vững chắc trên sân nhà.