Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội "kêu trời" vì phí cảng biển của Hải Phòng

ANTD.VN -Một loạt các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan đến xuất nhập khẩu đồng loạt có đơn “cầu cứu” Thủ tướng về mức thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng.

Tận thu phí?

Sau kiến nghị gửi UBND TP Hải Phòng bất thành, ngày 9-1, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cùng Diễn đàn kinh tế tư nhân (Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ trong vấn đề thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng.

Trước đó, cuối tháng 12-2016, UBND quận Hải An, TP Hải Phòng đã có thông báo gửi tới các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển Hải Phòng về việc thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại khu vực cảng Hải Phòng với mức phí rất cao khi xuất nhập khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng "cầu cứu" Thủ tướng vì quy định thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng

Cụ thể,  đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu là 250.000 đồng/container 20 feet, 500.000đồng/container 40 feet và 20.000 đồng/tấn hàng lỏng, rời.

Đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan loại hàng khô thu 2,2 triệu đồng/container 20 feet và 4,4 triệu đồng/container 40 feet, loại hàng lạnh thu 2,3 triệu đồng/container 20 feet và 4,8 triệu đồng/container 40 feet...

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may có lượng hàng rất lớn xuất, nhập khẩu (XNK) qua cảng Hải Phòng. Trong khi, phía Hải Phòng đã  thu các loại phí XNK như phí vận chuyển, phí D/O, phí handling, phí vệ sinh container, phí THC, phí B/L, phí AMS, phí Telex RL, phí CY monitor,.. mà doanh nghiệp đã phải nộp cho thành phố thông qua các công ty vận chuyển, công ty kinh doanh cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển.

Với mức thu như quy định như trên thì giả sử áp dụng cho năm 2016 chi phí phát sinh cho một doanh nghiệp như Tổng công ty May 10 là 2,18 tỷ đồng, Tổng công ty Dệt May Hà Nội là 686 triệu đồng, May Tinh Lợi trên 2,2 tỷ đồng, May Hưng Yên 473 triệu đồng...

“Quy định thu phí này của Hải Phòng là không hợp lý, phí chồng phí và là gánh nặng cho doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực, nhất là hàng may mặc là hàng nhẹ cồng kềnh, số lượng container rất lớn không thể đánh đồng với các loại hàng như sắt thép, xi măng...”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định.

Tương tự, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng cho rằng, các chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng hiện đã rất cao không những so với các nước trong khu vực mà còn cao hơn cả chi phí tại cảng TP.HCM.  Hiệp hội Bông sợi Việt Nam lo ngại, sau Hải Phòng sẽ có nhiều địa phương đồng loạt “tận thu phí” theo kiểu này.

Kiến nghị Thủ tướng tạm dừng

Phản ánh của một số doanh nghiệp bông sợi cho thấy, trung bình một doanh nghiệp với lượng XNK từ 150 - 400 container (40feet)/tháng  thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đến 2,4 tỷ đồng/năm cho chi phí này, chưa kể các chi phí đi lại và chờ đợi làm thủ tục.

“Hiệp hội Bông sợi Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho tạm dừng áp dụng quy định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng của TP. Hải Phòng để làm rõ các vấn đề liên quan, đặc biệt là quy trình và trình tự thủ tục ra quyết định, cũng như các tác động của quyết định này đối với các môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam bày tỏ.

Diễn đàn kinh tế tư nhân ngày 11-1 cũng đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tạm dừng Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND của TP. Hải Phòng về việc thu phí hạ tầng cảng biển.

Theo Diễn đàn kinh tế tư nhân, việc thu phí này của Hải Phòng có dấu hiệu “phí chồng phí”, đồng thời mức phí quá cao và không chứng minh được nguyên tắc thu phí là để “cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí”.

Hơn nữa, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân cho rằng, trong  việc thu phí này Hải Phòng có sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa thông quan tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng với hàng hóa chuyển cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan...

Ngoài ra, trong quá trình ban hành Nghị quyết 148, TP. Hải Phòng đã không thực hiện việc đánh giá tác động và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, nhất là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định; không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày cho các bên góp ý kiến.

Hầu hết doanh nghiệp chỉ biết tới quy định này khi có văn bản thông báo của UBND Quận Hải An (đơn vị được giao xây dựng phương án thu phí và triển khai thu phí) ban hành ngày 21-12-2016, gửi tới các doanh nghiệp vào ngày 30 và 31-12-2016, trong khi thời điểm áp dụng thu phí từ 1-1-2017.

“Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam xin đề nghị Thủ tướng tạm dừng Nghị quyết 148 của Hải Phòng và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cùng địa phương nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ quy định”, lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đề xuất.