Hàng hóa ế ẩm dịp nghỉ lễ

ANTĐ - Đến 4-5, tức là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày vừa qua, khách mua hàng tại các siêu thị, chợ rất thưa thớt. Phần lớn chi tiêu của khách hàng vẫn dành cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Mặc dù đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi trong dịp nghỉ lễ
nhưng lượng khách đến siêu thị vẫn thưa thớt

Ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội sáng 4-5 cho thấy, lượng khách hàng đến mua sắm có đông hơn ngày 3-5 nhưng chỉ bằng nửa lượng khách hàng đến đây vào dịp cuối tuần. “Chúng tôi mở cửa cả ngày lễ để phục vụ nhân dân đến tham quan mua sắm nhưng khách rất vắng. Siêu thị không phải mở hết các quầy thanh toán trước dịp nghỉ lễ và trong những ngày nghỉ thì càng ít người mua hơn”- đại diện truyền thông một siêu thị lớn cho biết.

Trong khi đó, để thu hút khách, một số siêu thị lớn như: Metro, BigC, Ocean Mart, Co.op Mart… đã đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi: Tặng quà, giảm giá sản phẩm, bốc thăm trúng thưởng. Tại hệ thống siêu thị Big C, chương trình khuyến mãi cho 1.450 mặt hàng thuộc các ngành hàng: thực phẩm tươi sống, công nghệ, đồ khô hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang, điện tử, điện máy với mức giảm giá từ 5-40%, kèm theo quà tặng. Tương tự, hệ thống siêu thị Ocean Mart cũng có nhiều hoạt động nhưng khách vẫn vắng hơn thường lệ.  Siêu thị Co.op Mart sáng qua (4-5) cũng đón lượng khách hàng khiêm tốn. 

Theo nhân viên bán hàng siêu thị Fivimart, lượng khách mua hàng mỗi ngày trong kỳ nghỉ lễ có thể đếm được dễ dàng. “Hóa đơn thanh toán khoảng 300-400.000 đồng/khách, phần lớn dành cho nhóm hàng thực phẩm, rau xanh, muối mắm, bột giặt”. Nhân viên này dự đoán, có thể do dịp nghỉ lễ năm nay dài nên người dân Thủ đô đi du lịch ở địa phương khác khá đông, không có nhu cầu mua sắm ở siêu thị. 

Đông đúc hơn cả có lẽ là hệ thống cửa hàng của nhà phân phối nước ngoài Lotte. Rất nhiều khách hàng trẻ tuổi đã đến các địa điểm của Lotte để vui chơi, ăn uống, hẹn hò bởi cửa hàng này có nhiều hình thức vui chơi đa dạng, phong phú. Ước tính doanh số của Lotte tăng trên 20% so với ngày thường. Bên cạnh đó, một số cửa hàng kem tươi, cà phê tại các tuyến phố cũng đón một lượng khách khá ổn định. 

Tại các chợ dân sinh, sức mua cũng rất yếu ớt. Nguyên nhân một phần là do người dân đi du lịch nhiều, một phần do nhu cầu ăn uống, liên hoan dịp nghỉ lễ giảm hẳn, người ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội cũng về quê. Nhưng sâu xa hơn, theo các chuyên gia, người dân vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho hay: “Những siêu thị tổng hợp lớn như: Metro, Big C… còn giữ được lượng khách nhất định, vì họ có kèm theo dịch vụ vui chơi giải trí, cà phê trong siêu thị. Mặt khác, các chương trình khuyến mãi liên tiếp, số lượng hàng giảm giá nhiều nên giá cả cạnh tranh. Còn các cửa hàng tiện ích của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp quy mô “nhỡ nhàng” như: Fivimart, Hapro… đều rất khó khăn. Giờ chỉ trông chờ chủ yếu vào lượng khách quen ở trong khu vực dân cư, khó kỳ vọng vào khách đến ở xa đến tham quan, mua sắm”. 

Một lãnh đạo siêu thị tầm trung khác cho biết: “Nói là sức mua có tăng nhưng là tăng trên mẫu số nhỏ, không thể bằng khoảng 3 năm trước được. Ví dụ trước đây doanh số mỗi ngày là 100 triệu đồng, dịp nghỉ lễ tăng 50%, thành 150 triệu đồng/ngày  thì bây giờ, mỗi ngày doanh số chỉ được khoảng 80 triệu đồng, và có tăng đến 50% thì cũng chỉ đạt 120 triệu đồng/ngày”. Song trên thực tế, các dịp nghỉ lễ trong khoảng 2 năm trở lại đây, không có siêu thị nào đạt mức tăng đến 50%. “Khách đến siêu thị giờ chủ yếu đi ô tô, khách đi xe máy chỉ mua một hai món hàng hoặc vài chiếc bánh mì rồi về. Có khả năng, tình trạng này còn kéo dài đến cuối năm”- đại diện siêu thị này phán đoán.