Hàn Quốc bắt giữ 24 thủy thủ Trung Quốc

ANTĐ - Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc ngày 9-12 cho biết đã bắt giữ 24 thủy thủ Trung Quốc sau khi nhóm người trên chống trả lại cơ quan chức năng nước này đang tiến hành chiến dịch trấn áp hoạt động đánh bắt hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc. 

Số tàu cá Trung Quốc vừa bị Hàn Quốc bắt giữ 

Vụ bắt giữ diễn ra trên Biển Hoàng Hải tại khu vực gần thành phố cảng Incheon ở phía tây Hàn Quốc hôm 27-11 khi các thủy thủ Trung Quốc trên 3 tàu cá sử dụng ngư cụ và ống thép chống lại cảnh sát biển Hàn Quốc, khiến 4 người bị thương nhẹ. Nhà chức trách Hàn Quốc sau đó đã khống chế, bắt giữ 24 trong số 32 thủy thủ Trung Quốc cùng tàu cá trọng tải 30 tấn. “Đây là lần đầu tiên số lượng thủy thủ Trung Quốc bị bắt giữ nhiều như vậy. Chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc các đối tượng sử dụng vũ khí chống trả lại cơ quan chức năng”, một quan chức Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị bắt giữ do đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải Hàn Quốc. Cách đây gần 2 tháng, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cũng bắt giữ 23 thủy thủ Trung Quốc cùng 2 tàu cá sau vụ đụng độ dữ dội trên Biển Hoàng Hải khiến 1 thủy thủ Trung Quốc thiệt mạng. Các thủy thủ Trung Quốc đã sử dụng dao, rìu và những loại vũ khí khác để chống trả lại lính đặc nhiệm Hàn Quốc, buộc họ phải nổ súng làm một ngư dân 44 tuổi người Trung Quốc tử vong do dính đạn cao su. 

Trước đó, một tòa án ở Hàn Quốc đã tuyên phạt Cheng Dawei, thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc 30 năm tù do đâm chết một nhân viên Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc trong vụ đụng độ trên Biển Hoàng Hải hồi tháng 12 năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 7-12 đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tới để phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh hải nước này gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Nhật Bản yêu cầu tàu Trung Quốc phải rời khỏi lãnh hải Nhật Bản ngay lập tức. Đây là lần thứ 14 tàu công vụ Trung Quốc vào khu vực này kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9 vừa qua.