Cần quản lý xe taxi như phương tiện vận tải hành khách công cộng Ảnh: Phú khánh
Bất đồng về taxi
Tại hội nghị lấy ý kiến tham gia vào đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP lớn diễn ra vừa qua, nhiều chuyên gia cũng như các hãng taxi thắc mắc, dự thảo đề án bỏ quên taxi. “Dù trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản khẳng định, taxi là một loại hình vận tải hành khách công cộng, nhưng dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP lớn của Bộ GTVT thì taxi lại không được nhắc đến”, ông Đoàn Việt Hà, Giám đốc Taxi Trung Việt bày tỏ.
Cùng chung nỗi băn khoăn, Đại diện hãng taxi Hùng Vương, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc kiến nghị: “Dự thảo đề án nên nói rõ về xu hướng, lộ trình phát triển đối với taxi để chúng tôi cũng đưa ra được định hướng phát triển cho doanh nghiệp mình. Còn như dự thảo hiện tại của Bộ GTVT, thực tình chúng tôi mù mờ không biết đi về đâu, không biết mình được xếp vào diện nào”. Điều đáng nói, theo ông Hùng, cũng tại dự thảo đề án của Bộ GTVT có sự không thống nhất về xe taxi. Tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ thì xếp taxi vào phương tiện cá nhân, còn tại Hà Nội thì taxi bị bỏ quên, không được xếp vào diện nào. “Sự không đồng nhất về quan điểm của Bộ GTVT, lúc thì công nhận taxi là phương tiện công cộng, lúc thì xếp vào phương tiện cá nhân, khiến các hãng taxi không biết phải hiểu như thế nào”, ông Hà phản ánh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng, nên làm rõ thế nào là phương tiện cá nhân, vì dự thảo đề án đưa ra còn rất mù mờ. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đặt câu hỏi, những loại phương tiện nào sẽ được xếp vào phương tiện cá nhân để làm đối tượng hạn chế? Xe của doanh nghiệp tư nhân, xe của các bệnh viện tư mang biển trắng, trong khi, xe của các bệnh viện công mang biển xanh nhưng cùng chung một mục đích sử dụng thì được xem xét ra sao?
Chưa thể thực hiện trong năm 2013
Không chỉ “đánh” vào ô tô con, dự thảo đề án đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế sự phát triển đối với xe gắn máy như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, phí đăng ký phương tiện, phí môi trường và đặc biệt sẽ phải kiểm định định kỳ. Cụ thể, nếu đề án triển khai hằng năm, thậm chí hằng quý cơ quan chức năng sẽ triển khai việc đăng kiểm xe máy cho người dân tại các thành phố lớn.
Theo ông Liên, 80% dân số tại các đô thị lớn hiện đi lại bằng xe máy, do vậy nếu triển khai đăng kiểm sẽ rất khó khăn và tốn kém cho nhân dân và ngân sách Nhà nước, trong khi hiệu quả lại không cao vì xe máy chiếm đường chỉ bằng 1/5 ô tô và đây cũng là phương tiện mưu sinh chính của đại bộ phận dân cư. “Tôi ủng hộ chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế xe cá nhân vào các giờ cao điểm ở các TP lớn để giảm ùn tắc, nhưng phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng, không thể nói năm 2013 thực hiện là triển khai ngay được. Giai đoạn 2013-2015 nên coi là bước đệm để khởi động và thực hiện từ 2015”, ông Liên nêu ý kiến. Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng không đồng tình việc đưa nội dung đăng kiểm xe máy vào đề án hạn chế xe cá nhân.
Theo ông Hùng, việc đăng kiểm xe máy không liên quan gì đến hạn chế xe cá nhân, vì mục tiêu chính được nói ở đây là đăng kiểm xe máy để bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý... Chưa cần nói đến tính pháp lý (các phương tiện xe máy hiện nay đã đóng phí môi trường qua giá xăng), việc đưa vấn đề bảo vệ môi trường trong đề án hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn không phù hợp. “Mục tiêu chính là hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông đường bộ, việc đăng kiểm xe gắn máy không liên quan trực tiếp đến hạn chế phương tiện cá nhân do đó cần bỏ việc đăng kiểm đối với xe gắn máy trong đề án hạn chế xe cá nhân”, ông Hùng đề nghị.