Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết nặng vẫn tăng
(ANTĐ) - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại một số BV trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân SXH nhập viện thời gian này vẫn rất cao. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia (ảnh) trao đổi với PV Báo ANTĐ về vấn đề này.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện chưa giảm |
- PV: Dịch SXH tại Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung vào thời điểm này đã thực sự qua đỉnh dịch chưa, thưa ông?
- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội vẫn đang trên đỉnh dịch, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trung bình mỗi ngày, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia tiếp nhận khoảng 600-700 bệnh nhân tới khám, trong đó có khoảng 50% là SXH. Cả viện cũng đang có 250 bệnh nhân SXH điều trị nội trú, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội. Do cùng lúc bùng phát mạnh 2 dịch bệnh nguy hiểm là SXH và cúm A/H1N1 nên viện luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, bệnh nhân đông tới mức không phải nằm viện mà... ngồi viện.
Đa phần các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng rất nặng, chảy máu, sốc, tiểu cầu hạ, không ít người huyết áp và mạch bằng không, nguy cơ tử vong cao.
- PV: Thực tế điều trị tại viện như thế nào, thưa ông?
- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Từ đầu mùa dịch đến nay, tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do SXH, trong đó có cả bệnh nhân ở Hà Nội. Hiện tại, vẫn có một sinh viên (ở Sóc Sơn-Hà Nội) bị SXH rất nặng, đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức của viện, phải thở máy và truyền máu liên tục, nguy cơ tử vong rất cao.
Có một đặc điểm là rất nhiều bệnh nhân bị SXH trong vụ dịch năm nay bị hạ tiểu cầu, nhiều bệnh nhân bị hạ tiểu cầu xuống mức rất thấp, khoảng 30.000-40.000. Tại một số BV tuyến dưới, khi thấy bệnh nhân bị hạ tiểu cầu xuống thấp đã vội vàng cho bệnh nhân chuyển sang BV Nhà nước, chuyển lên tuyến trên. Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng bệnh cảnh nặng hơn do không được điều trị kịp thời. Thực tế, không phải cứ tiểu cầu hạ là truyền, cũng không phải truyền tiểu cầu là chữa được SXH. Việc chỉ định truyền tiểu cầu cho bệnh nhân phải do bác sĩ quyết định.
- PV: Xin ông nói rõ hơn về các nguy cơ có thể xảy ra khi truyền tiểu cầu?
- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Việc truyền tiểu cầu cho bệnh nhân luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Bởi muốn truyền 1 đơn vị tiểu cầu cho bệnh nhân thì cần tới 4 người cho máu. Ngay cả khi 4 người cho máu đều đồng nhất nhóm máu với bệnh nhân thì vẫn có thể xảy ra tình trạng sốc khi truyền, có thể dẫn đến tử vong. Đó là chưa kể, tiểu cầu chỉ sống tốt trong 1 ngày, nếu tiểu cầu được lưu trữ càng lâu trước khi truyền (lâu nhất là đến ngày thứ 6) thì không những chất lượng không đảm bảm, số lượng tiểu cầu bù vào không đủ mà còn có thể gây ra các phản ứng do chất bảo quản tiểu cầu. Ngoài ra, còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu như HIV, AIDS, viêm gan B...
Do đó, việc truyền tiểu cầu phải do bác sĩ chỉ định. Thông thường chỉ định truyền tiểu cầu ở những bệnh nhân có thoát dịch ra ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc tiểu cầu thấp dưới 10.000, nguy cơ tử vong cao.
Nguyễn Phan
(Thực hiện)