Hà Nội đứng thứ hai cả nước về số dự án FDI trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và  góp vốn mua cổ phần  của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 31,15 tỷ USD,  tăng 9,2%  so với cùng kỳ năm 20 20, tính đến thời điểm ngày 20-12-2021.
Vốn đầu tư nước ngoài theo địa phương

Vốn đầu tư nước ngoài theo địa phương

Trong số vốn tăng thêm 31,15 tỷ USD, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm, dù đã được cải thiện.

Cụ thể, vốn đăng ký mới có 1.738 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 31,1%. Tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay cũng có 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 13,6% nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 40,5%. Trong khi đó, góp vốn, mua cổ phần có 3.797 lượt, giảm 38,2%, tổng giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích nguyên nhân khiến số lượt dự án mới giảm trong năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay.

Số lượng các dự án mới trong các ngành thâm dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu (như điện tử, ô tô và hóa chất) đều giảm. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; Áp lực cạnh tranh trong thu hút FDI lớn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Trong khi đó, về phía chủ quan, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam đang thu hút FDI một cách chọn lọc hơn nên loạt dự án nhỏ, ít giá trị gia tăng bị loại bỏ. Ngoài ra, dịch bệnh khiến các chuyên gia, các nhóm phát triển dự án muốn vào Việt Nam khảo sát bị ảnh hưởng nên ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020 01 nhờ 1 dự án đầu tư mới và 1 trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn. Riêng hai dự án này đã chiếm trên 49% tổng vốn đầu tư của Singapore.

Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, Hàn Quốc hiện là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn mua coorphaafn tại Việt Nam.

Xét về số dự án, các nhà đầu tư ước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như: TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (29,2%), số lượt dự án điều chỉnh (18,1%) và góp vốn mua cổ phần (60,3%).

Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút FDI trong năm, song xếp thứ hai về số dự án mới (16,7%) và số lượt góp vốn mua cổ phần (12,2%).

Tính lũy kế đến ngày 20-12-2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

TP HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với gần 49,5 tỷ USD (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 37,2 tỷ USD (chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với trên 37 tỷ USD (chiếm gần 9,1% tổng vốn đầu tư).