Hà Nội: Đầy rẫy gừng Trung Quốc đáng ngờ

ANTĐ - Bấy lâu nay, Việt Nam luôn tự hào là một nước sản xuất gừng, tỏi xuất khẩu, nhưng giờ tràn ngập hàng nhập từ Trung Quốc. Tỏi củ to hơn, gừng mập mạp, láng mịn, dễ bóc vỏ… là ưu điểm khiến nông sản Trung Quốc loại này lấn át hàng nội.

Hà Nội: Đầy rẫy gừng Trung Quốc đáng ngờ ảnh 1
Gừng không rõ nguồn gốc được bán ở chợ Thành Công B (Hà Nội)
có kích thước to gấp nhiều lần so với gừng Việt Nam


Trồng  gừng bằng hóa chất cực độc

Lâu nay nông sản Trung Quốc tràn ngập chợ Việt Nam, từ bó rau, củ tỏi… ở các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội như Long Biên, Đồng Xuân, Bắc Qua, Dịch Vọng đến các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, gừng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí có lúc đi mua  một củ gừng, tỏi trồng trong nước lại khó hơn mua hàng nhập ngoại. 

Chị Bắc, một tiểu thương buôn bán rau trên phố Thể Giao cho biết, gừng Trung Quốc vẫn được người dân ưa chuộng hơn. Phân tích lý do, theo chị Bắc, gừng Trung Quốc củ to, da mịn lại dễ bóc vỏ chứ không lắt nhắt như gừng trong nước. “Mặc dù gừng, tỏi trong nước ăn thơm hơn, cay hơn, nhưng bây giờ, người tiêu dùng ưa chuộng sự nhanh gọn,  sản phẩm gì chế biến nhanh, giá rẻ thì được chuộng”, chị Bắc nói.

Chợ Long Biên, chợ đầu mối nông sản lớn nhất miền Bắc, gừng tràn ngập, chất thành từng đống. Một tiểu thương chuyên buôn bán mặt hàng này tại chợ Long Biên tiết lộ, gừng được chở bằng xe tải từ các tỉnh biên giới về đây đổ. Cần mua gừng Trung Quốc bao nhiêu cũng có, nhưng gừng trồng trong nước thì ít. 

Trong khi đó, một báo cáo điều tra do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào thứ 7 tuần qua phát hiện các nông dân ở thành phố Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã sử dụng thuốc trừ sâu hoạt chất Aldicarb, vượt mức cho phép 3-6 lần. Aldicarb là một trong những hoạt chất cực độc, chỉ được sử dụng cho 5 loại cây ở Trung Quốc là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, lạc và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép và kiểm soát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp. Theo điều tra của CCTV, các hộ trồng gừng ở Duy Phường đã dùng 120-300kg thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất Aldicarb cho một hecta gừng nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ lâu hỏng.

Loại thuốc này bán tại Mỹ với tên thương mại là Temix, được coi là loại thuốc trừ sâu độc hại nhất trong các loại hoạt chất diệt côn trùng. Các tài liệu cũng cho thấy, Aldicard tồn tại rất lâu trong môi trường đất, nước, tiếp xúc với con người qua đường nước uống và lương thực, thực phẩm. Aldicard được hấp thụ tốt qua đường ruột, da và khí quản. Nếu cơ thể người bị phơi nhiễm Aldicard ở mức độ cao có thể gây co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy,  buồn nôn và tim đập chậm, dẫn đến tử vong. 

Ít lấy mẫu kiểm tra gừng 

Ngay sau khi có thông tin trên, Cục bảo vệ thực vật (BVTV) đã rà soát tình hình nhập khẩu gừng tại các các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc. Gừng được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai. Lượng gừng nhập khẩu từ đầu năm đến nay là hơn 330 tấn, trong đó, cửa khẩu Tân Thanh khoảng 250 tấn. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, lượng nhập chỉ ở mức hơn 300 tấn vì gừng không phải thực phẩm được sử dụng nhiều như các loại rau, củ quả khác, người Việt Nam sử dụng gừng cũng không nhiều. Bên cạnh đó, mặt hàng này trong nước cũng sản xuất được với chất lượng cao hơn, củ gừng chắc, thơm và cay hơn. 

Trao đổi xung quanh việc này, bà Bế Thị  Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch Tân Thanh cho hay, so với các loại củ gia vị như hành, tỏi khô thì gừng được nhập khẩu với  số lượng ít hơn. “Thỉnh thoảng Trạm cũng lấy mẫu gừng kiểm tra dịch bệnh, nguy cơ hóa chất. Đã phát hiện hóa chất trên mẫu gừng nhưng dưới ngưỡng cho phép nên vẫn thông quan mặt hàng này. Đây cũng là những mặt hàng được doanh nghiệp kê khai, nhập khẩu chính ngạch”.

Theo Cục trưởng Cục BVTV, hoạt  chất Aldicard không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. “Đây là một hoạt chất có độ độc cao, gây ngộ độc cho người chủ yếu ở hệ thần kinh. Trung Quốc vẫn cho sử dụng hoạt chất này nhưng cũng rất hạn chế, chỉ trên một số loại cây trồng nhất định và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định”. Công ước quốc tế Rotterdam đưa hoạt chất Aldicard vào phụ lục 3. Tức nhóm các loại hóa chất, thuốc BVTV khi vận chuyển sang nước khác phải có thông báo. 

Tại các cửa khẩu đều có Trạm kiểm dịch thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay, theo quy định thì  tất cả các hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu kiểm tra xác suất. Song, do gừng nhập khẩu với số lượng không nhiều lại thuộc nhóm nguy cơ thấp nên không kiểm tra thường xuyên. Nhưng, sau sự việc này, Cục BVTV sẽ lấy mẫu kiểm tra với tần suất lớn, bao gồm cả gừng được sản xuất trong nước và gừng lưu thông trên thị trường để có thông tin chính xác nhất tới người tiêu dùng.

Chanh vàng Trung Quốc có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng

Một mẫu chanh vàng Trung Quốc vừa bị phát hiện tồn dư lượng thuốc BVTV vượt quá quy định cho phép. Thông tin này được Cục BVTV đưa ra tại cuộc họp giao ban về VSATTP diễn ra ngày 6-5.  Chất được tìm thấy trong mẫu chanh là Carbendazim, dùng để diệt sâu bọ, có nguy hại tới sức khỏe con người. Trước đó, kết quả kiểm tra công bố năm 2012 của Bộ NN&PTNT, nhiều loại hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc như nho, lê, táo, dưa vàng, khoai tây…có dư hóa chất vượt quá ngưỡng cho phép từ 1-5 lần.