Hà Nội cấp bằng lái xe quốc tế từ ngày 1-3

ANTĐ -Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ ngày 1-3 tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai thủ tục cấp Giấy phép lái xe quốc tế (IDP) và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 

Theo Sở GTVT Hà Nội, kể từ ngày 1-3-2016, đơn vị bắt đầu thực hiện cấp IDP cho người dân tại hai địa chỉ số 2 đường Phùng Hưng (Hà Đông) và 16 Cao Bá Quát (Ba Đình).

Người dân có nhu cầu chỉ cần làm đơn theo mẫu và mang GPLX bằng vật liệt PET (còn hiệu lực) đến hai địa chỉ trên làm thủ tục. Sau khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chứng hồ sơ hợp lệ, khoảng 5 ngày làm việc, người dân sẽ lấy được GPLX quốc tế mới. Lệ phí cấp bằng lái xe quốc tế là 135.000 đồng.

Lý giải về việc, không thực hiện cấp IDP qua mạng, ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái (Sở GTVT Hà Nội) thông tin, do IDP bắt buộc phải có chữ ký “sống” lên GPLX, bởi  vậy, người có nhu cầu cấp loại giấy phép này phải mang giấy tờ trực tiếp đến làm thủ tục và ký trực tiếp. Hiệu lực của GPLX quốc tế là 3 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của GPLX quốc gia.

​Mọi công dân có nhu cầu cấp GPLX quốc tế có thể đến Sở GTVT Hà Nội làm thủ tục từ 1-3

Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội thông tin, sở này nhận cấp IDP cho tất cả công dân Việt Nam, đáp ứng đầy đủ điều kiện theo thông tư của Bộ GTVT, có GPLX bằng vật liệu PET, còn thời hạn. Tức, một công dân có GPLX quốc gia do Sở GTVT tỉnh, thành phố khác cấp, hoàn toàn có thể đến Sở GTVT Hà Nội làm thủ tục xin cấp IDP.

Sở GTVT Hà Nội cũng lưu ý, IDP có thời hạn không quá 3 năm và được sử dụng để lái xe tại 73 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna). Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các quốc gia có tay lái thuận như Việt Nam đều tham gia vào Công ước này như Italia, Đức, Nga, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Czech, Pháp… Tuy vậy, số quốc gia  Đông Nam Á tham gia vào Công ước này lại khá khiêm tốn, chỉ có Philippines và Việt Nam. IDP Giấy sẽ ghi rõ lái xe được lái ôtô, môtô loại nào.

Người được cấp GPLX quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam. Khi được cấp IDP, lái xe ở 73 quốc gia tham gia Công ước bắt buộc phải mang cả hai GPLX - một GPLX do Việt Nam cấp và IDP. Việc bắt buộc lái xe phải có hai giấy phép lái xe khi ra nước ngoài nhằm mục đích chống làm giả giấy phép lái xe.

“Trong trường hợp phát hiện cá nhân có hành vi gian dối để được cấp GPLX quốc tế, tẩy xóa hoặc làm sai lệch thông tin trên GPLX quốc tế được cấp, ngoài việc bị cơ quan cấp GPLX thu hồi IDP, cá nhân đó còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp IDP trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Việt Phương thông tin.

Ngoài ra, từ ngày 1-3, Sở GTVT cũng triển khai cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3). Theo đó, tổ chức, cá nhân có nhu cầu có thể truy cập vào website:sogtvt.hanoi.gov.vn và trang đăng ký dịch vụ công trực tuyến của Sở GTVT dvctt.sogtvt.hanoi.gov.vn. Sau khi việc đăng ký hoàn thành, mỗi tổ chức, cá nhân sẽ được cấp một mã hẹn trực tuyến, sau 2 giờ, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định sẽ được các bộ phận giải quyết. Lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là 200.000 đồng/lần.