Gửi xe đầu năm: Ấm ức nhưng vẫn phải trả tiền

ANTĐ - Trong những ngày đầu năm mới tại Hà Nội, lượng người đến các đình, chùa, các khu vui chơi giải trí… rất đông. Lợi dụng cơ hội này, một số điểm trông giữ xe đã đua nhau nâng giá vô tội vạ…

Gửi xe đầu năm: Ấm ức nhưng vẫn phải trả tiền ảnh 1Điểm trông giữ ô tô xe máy trên vỉa hè, lòng đường ở phố Tây Sơn

Có mặt tại phố Tây Sơn, quận Đống Đa (đoạn giao với phố Vĩnh Hồ, gần tổ đình Phúc Khánh) chiều mùng 2 Tết, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá lộn xộn. Một đoạn vỉa hè và lòng đường đã biến thành điểm trông giữ xe máy, xe ô tô khiến khách du xuân  phải đi bộ dưới lòng đường, giữa dòng xe qua lại như mắc cửi, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.  

Điều đáng nói, đây đều là những điểm trông giữ xe tự phát, với điều kiện bến bãi không đảm bảo (chỉ có vài sợi dây chăng tạm bợ) và giá  thì bị đẩy lên rất cao, đặc biệt là ô tô. Anh Nguyễn Xuân Sơn ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) chia sẻ, theo hướng dẫn của người trông xe, anh đỗ xe ngay dưới lòng đường. Ngay lập tức, một người chạy ra thông báo tiền trông giữ là 50.000 đồng. Khi anh Sơn yêu cầu đưa vé và đề nghị trả tiền sau, người này không chấp nhận và hất hàm: “chê đắt thì gửi xe chỗ khác”. “Do con nhỏ và dự định chỉ vào một lát rồi quay ra nên tôi đành trả tiền cho xong việc. Hiện tượng này hầu như năm nào cũng tái diễn, gây ức chế cho khách du xuân nhưng không thấy cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết triệt để” - anh Sơn thở dài. 

Mùng 3 Tết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lượng người đổ dồn về đây tham quan, xin chữ đầu năm khá đông. Sau khi phải móc hầu bao 30.000 đồng/người tiền vé vào cửa, chúng tôi mới được vào bên trong. Tuy vậy, để có được một chữ ưng ý treo trong nhà, mỗi người phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi, có khi kéo dài cả giờ đồng hồ. Em Phạm Thanh Phương - học sinh trường THPT Yên Hòa cho biết, dù đã đến sớm nhưng vẫn phải xếp hàng khá lâu. Không chỉ vậy, giá trông giữ xe tại đây cũng khá cao: 10.000 đồng/xe máy. “Nói là đi “xin” chữ nhưng để có được chữ mình muốn mỗi người phải mất một khoản tiền không nhỏ. Điều này khiến nhiều bạn trẻ như em dù rất muốn tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp cũng cảm thấy chán nản”  - Phương tâm sự.

Cách Văn Miếu không xa là đền Quán Thánh. Mặc dù tại điểm trông giữ xe ở đây có biển ghi rõ xe máy 3.000 đồng, xe đạp 2.000 đồng nhưng thực tế khách đều phải trả 10.000 đồng. Khi người dân thắc mắc, nhân viên trông xe đều lờ đi hoặc ậm ừ cho xong chuyện. Trong khi đó, tâm lý chung của khách dù ấm ức nhưng vẫn miễn cưỡng thanh toán, phần vì không muốn đôi co trong ngày đầu năm mới ngay tại những nơi linh thiêng, phần vì sợ mất 

thời gian.

Ngoài một số điểm trông giữ xe thu phí cao nêu trên thì vẫn có những điểm trông giữ được tổ chức khá quy củ, thu phí đúng theo quy định do chính quyền các phường sở tại tổ chức. Theo chị Trần Thị Hạnh (ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), ngay trong ngày mùng 1 Tết khi đi lễ ở chùa Hà, chị và một số người khác phấn khởi vì chỗ đỗ xe ô tô khá thoáng nhưng không bị tính phí trông giữ. Còn đối với xe máy, mức phí cũng thấp hơn hẳn so với các nơi khác.

Trong những ngày Tết, để tránh sự bực mình không đáng có khi du xuân, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội khuyến cáo:  “Trước khi đưa xe vào bãi, người dân cần thỏa thuận trước về giá cả. Nên lựa chọn những điểm trông giữ có bến bãi rộng rãi, có xé vé theo đúng quy định để có căn cứ giải quyết những tranh chấp phát sinh (nếu có) đồng thời nhanh chóng thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện tình trạng thu phí quá cao”.

Không có bảng niêm yết giá vé - khách bị bắt chẹt

Trong những ngày Tết, Phủ Tây Hồ luôn là một trong những nơi tập trung đông nhất du khách. Mật độ người tới đây mỗi lúc một tăng cao khiến cho việc tìm được một chỗ để gửi xe không hề đơn giản. Để tránh nguy cơ dễ bị bắt chẹt ở những bãi xe tự phát, chúng tôi đưa xe vào tận bãi trông xe Phủ Tây Hồ của Hợp tác xã Nông nghiệp KDDVTH phường Quảng An. Nào ngờ, khi vừa hỏi giá, anh thanh niên trông xe “hét” 50.000 đồng/xe máy. Chúng tôi không đồng ý thì anh ta  sừng sộ: “Ghi vé rồi, không có đường ra đâu”. Bức xúc, chúng tôi tìm gặp chủ bãi trông xe thì ông ta phủ nhận chuyện này và khăng khăng cho rằng chúng tôi… dựng chuyện. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi “tại sao không có bảng niêm yết giá vé” thì chủ bãi trông giữ không giải thích được…

Mai Phương Anh (Phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội)