Thông báo chuyển gói cước, tăng giá Internet của FPT gây bức xúc cho khách hàng
Cước phí Internet tăng gần 19%?
Những ngày qua, nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet của FPT rất bức xúc với thông báo của doanh nghiệp này về việc chuyển gói cước, kèm theo tăng giá.
Anh Nguyễn Minh (quận Thanh Xuân, khách hàng của FPT) phản ánh: “Gia đình tôi đang dùng gói Internet FTTH-F4, băng thông 35Mbps, cước phí 250.000 đồng/tháng, dùng khá ổn định. Cách đây vài ngày, nhà cung cấp dịch vụ gửi email đến tôi thông báo, từ ngày 1-6-2019, gói cước tôi đang dùng sẽ chuyển sang gói Super 50, cước phí 260.000 đồng/tháng, tức là tăng 10.000 đồng/tháng so với hiện tại”.
Lý do FPT đưa ra cho việc thay đổi là này theo chương trình “Quy hoạch băng thông - Gia tăng trải nghiệm”, áp dụng cho dịch vụ Internet, có hiệu lực trên toàn quốc, mong được khách hàng đồng thuận.
“Giải thích của FPT không hợp lý. Quy hoạch lại băng thông là quy hoạch nào? Chúng tôi đang dùng gói dịch vụ cũ ổn định, tại sao phải thay đổi? FPT không cho khách hàng lựa chọn là ép buộc khách hàng”!- anh Nguyễn Minh bức xúc.
Cùng quan điểm này, anh Xuân Nguyên (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết, anh cũng nhận được thông báo mang tính “áp đặt” tương tự từ Công ty CP viễn thông FPT. “Từ ngày 1-6, tôi sẽ bị chuyển sang dùng gói dịch vụ Super65, cước 310.000 đồng/tháng, thay cho gói FTTH-F3, cước 30.000 đồng/tháng. Tăng thêm 10.000 đồng/tháng không đáng bao nhiêu nhưng khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao hơn nên không thể tự ý chuyển gói cước được.
Hơn nữa, mỗi khách hàng chỉ phải trả tăng thêm 10.000 đồng/tháng, chỉ tăng khoảng 3-4% so với gói cũ nhưng với hàng triệu khách hàng trên cả nước thì FPT thu tiền “khủng” thế nào?”- anh Xuân Nguyên nói.
Đáng chú ý hơn, có khách hàng đang sử dụng gói cước FTTH-F5, cước phí 160.000 đồng/tháng sẽ được FPT chuyển sang gói Super50, cước phí 190.000 đồng/tháng, tăng 30.000 đồng/tháng, tương đương 18,75% so với gói cũ, trong khi họ chưa có nhu cầu chuyển.
Rõ ràng, việc FPT thông báo đến khách hàng nội dung nêu trên là chưa hợp lý. Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi tăng giá sản phẩm, dịch vụ nào đó đều đưa lý do tăng chất lượng lên hàng đầu. Tuy nhiên, để kiểm chứng chất lượng là việc khó với người tiêu dùng, và quan trọng nhất là khách hàng chưa có nhu cầu.
FPT không sòng phẳng với khách hàng!
Bình luận về vụ việc này, Luật sư Tạ Quốc Cường- Giám đốc công ty Luật hợp danh Sự thật cho rằng, trong trường hợp này, Công ty CP viễn thông FPT đã thể hiện sự độc quyền rất rõ, gần như là ép buộc khách hàng phải sử dụng dịch vụ của họ.
“Khách hàng không đồng ý với việc thay đổi này có thể cắt dịch vụ, nhưng đa số người tiêu dùng sẽ chấp nhận dù không vui vẻ, bởi lẽ họ ngại kéo một đường truyền từ doanh nghiệp khác sẽ phiền phức, mất thời gian. FPT không sòng phẳng, gây thiệt hại cho khách hàng”- ông Tạ Quốc Cường nói.
Theo một luật sư khác, có thể trong hợp đồng thỏa thuận cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng trước đây đã bao gồm điều khoản về sự thay đổi này. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường có tâm lý lựa chọn doanh nghiệp cung cấp, thay vì quan tâm đến từng cam kết cụ thể.
“Do vậy, người dùng bị mắc vào những điều khoản doanh nghiệp “gài” từ trước nên rất khó khiếu nại. Tuy vậy, trong trường hợp cụ thể này, FPT cần khảo sát ý kiến khách hàng trước khi thông báo chuyển gói cước, tăng giá, hoặc phải báo trước với khách hàng trước thời điểm thực hiện ít nhất 1 tháng, để khách hàng có đủ thời gian lựa chọn”- vị Luật sư nêu quan điểm.
Cũng theo ông này, vụ việc chỉ là quan hệ dân sự thông thường nhưng cũng thể hiện văn hóa của doanh nghiệp chưa tốt nên đã đẩy bất lợi về phía khách hàng.
Cần xác định “quy hoạch băng thông” có bất khả kháng?
"Nếu FPT không có công văn chính thức để giải thích đến khách hàng về việc này thì không thể chấp nhận được. Quy hoạch về nguyên tắc là cần được công bố rộng rãi nhưng trong thông báo của FPT, nội dung này rất nhỏ, ít được khách hàng chú ý so với nội dung thay đổi gói cước.
Nếu quy hoạch băng tải là lý do kỹ thuật bất khả kháng, bắt buộc về mặt công nghệ thì khách hàng đành phải chịu. Nhưng nếu còn có sự lựa chọn khác để khách hàng tự lựa chọn thì doanh nghiệp cần khảo sát, đưa ra các phương án. Nhiều khách hàng vẫn thích gói dịch vụ cũ thì sao"?
(Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong)