Gói giải pháp kích cầu phải được tổ chức nhanh hơn

(ANTĐ) - Ngày 30-12, bên lề Hội thảo “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội”, ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh gói giải pháp kích cầu của Chính phủ.

Gói giải pháp kích cầu phải được tổ chức nhanh hơn

(ANTĐ) - Ngày 30-12, bên lề Hội thảo “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội”, ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh gói giải pháp kích cầu của Chính phủ.

- PV: Việc bắt đầu kích cầu vào năm 2009 liệu có quá muộn không, thưa ông?

- Ông Hà Văn Hiền: Đầu năm 2008, mục tiêu của ta là kiềm chế lạm phát. Đến giờ, lạm phát đã được kiềm chế, nền kinh tế lại chuyển sang giảm phát. Hiện nay, chúng ta vừa phải cảnh giác với lạm phát, vừa phải lo chống suy giảm kinh tế. Trong khi đó, chính sách đối với 2 trạng thái này là ngược nhau, để kiềm chế lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, để ngăn ngừa suy giảm phải nới lỏng tín dụng.

Vì thế, các giải pháp từ việc hy sinh mục tiêu tăng trưởng rồi lại chuyển sang kích cầu đầu tư tiêu dùng cũng phải có các bước đi uyển chuyển, linh hoạt chứ không thể ngay lập tức được. Tôi cho rằng, gói 5 nhóm giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế của Chính phủ đưa ra là rất kịp thời.

- PV: Khoản kích cầu đầu tư tiêu dùng dự kiến có thể lên tới 6 tỷ USD cần được phân bổ thế nào cho hiệu quả?

- Ông Hà Văn Hiền: Trong Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập rất rõ việc này. Trước mắt, chúng ta tập trung vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tạo ra một thị trường tiêu thụ tốt cho vật liệu xây dựng, ngoài ra, chúng ta sẽ tập trung đầu tư khu vực giải quyết nhiều lao động. Thực tế là, khi suy giảm kinh tế, nhiều DN đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Như vậy, sẽ có hiện tượng một lượng lớn lao động dôi ra. Kích cầu của Nhà nước là phải tập trung vào khu vực đó, vừa tạo ra chỗ làm mới, vừa duy trì chỗ làm cũ.

- PV: Còn gói vốn kích cầu 1 tỷ USD chưa có địa chỉ rõ ràng, ông có ý kiến gì?

- Ông Hà Văn Hiền: Nghị quyết của Chính phủ đã đề cập các biện pháp giảm thuế, giãn thuế. Vấn đề đặt ra là cách thức thực hiện như thế nào để chính sách có hiệu quả. Chúng tôi cũng đang lắng nghe ý kiến của các DN về việc này thông qua các cuộc tiếp xúc để đề xuất cụ thể tới Quốc hội. Chính phủ đã giao các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp để làm sao, chính sách hỗ trợ cho khu vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhất.

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, lần này, nhóm 5 giải pháp chống suy giảm kinh tế cần phải tổ chức nhanh hơn nữa. 1 tỷ USD cần sớm có địa chỉ cụ thể để thực hiện, tránh tình trạng cho chính sách rồi nhưng ta làm chậm. Vì thế, các Bộ, ngành phải vận động nhanh hơn, mạnh hơn để những sự hỗ trợ này sớm đi vào cuộc sống.

- PV: Trong điều kiện khó khăn hiện nay,  những đề xuất như việc tăng giá điện có thể khoảng 15% trong năm 2009 có nên tiếp tục hay không, thưa ông?

- Ông Hà Văn Hiền: Đúng là trong điều kiện hiện nay, đặt vấn đề tăng giá ở mặt hàng này, mặt hàng kia là rất nhạy cảm. Nó tác động không tốt tới tâm lý xã hội. Các Bộ, ngành sẽ phải nghiên cứu kỹ điểm này để không xảy ra mâu thuẫn trong chính sách. Nhất là khi, chúng ta đang kích cầu tiêu dùng, cần giảm giá để khuyến khích sức mua thì việc tăng giá tiêu dùng phải có lộ trình phù hợp. Như vậy thì chính sách của Chính phủ mới phát huy được tác dụng.

Băng Dương (Ghi)