Gỡ rào cản điều kiện kinh doanh, “tiếp sức” cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Doanh nghiệp muốn phát triển, trước hết cần có thể chế thuận lợi. Tuy vậy, có những chính sách là rào cản với doanh nghiệp ngay từ khi mới được ban hành, cũng có chính sách không còn phù hợp sau 1 thời gian thực thi do những thay đổi của thị trường. Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và những bất ổn của tình hình thế giới thì việc gỡ khó, “tiếp sức” cần được quan tâm.
Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đông đảo và từng bước nâng cao chất lượng

Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đông đảo và từng bước nâng cao chất lượng

“Trên nóng, dưới lạnh” và những hệ quả

Tại cuộc tọa đàm mới đây về gỡ khó cho doanh nghiệp, luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu, một trong những trở ngại chính với doanh nghiệp hiện nay là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong việc tiếp cận đất đai và quy hoạch. “Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những bất cập này, nhằm tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, nhất quán hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” - nơi các chỉ đạo từ cấp cao không được thực hiện đầy đủ ở các cấp thấp hơn” - ông Lê Anh Văn nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa tính hợp pháp và hợp lý. Việc sửa đổi luật và nghị định có thể kéo dài và tốn kém, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư. Luật sư Lê Anh Văn chỉ ra trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp buộc phải ưu tiên tính hợp lý để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý hiện hành. “Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn còn dàn trải và thiếu tập trung. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đề ra, cần phải có những chính sách chuyên sâu, tập trung vào lợi thế cụ thể của đất nước. Điều này sẽ giúp khơi dậy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nghị quyết 41 đã nhận định và đưa ra các mục tiêu, quan điểm rõ ràng về những vấn đề này, từ đó chúng ta có thể xây dựng các giải pháp phù hợp” - ông Lê Anh Văn nêu ý kiến.

Ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP tiếp vận Hòa Phát cho biết, môi trường kinh doanh đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua. Tuy vậy, trong thực tế doanh nghiệp vẫn gặp thiệt hại, thậm chí rủi ro nhiều với các cơ quan Nhà nước. Ví dụ trường hợp một khách hàng của doanh nghiệp đầu tư dự án ở một tỉnh, vốn đầu tư tăng từ 3 triệu USD lên 8 triệu USD, nhưng phải mất gần 3 tháng mới hoàn tất thủ tục trong khi theo quy định chỉ cần 15 ngày. “Doanh nghiệp chúng tôi không thể phản ánh sự việc lên UBND tỉnh mà phải đồng hành với các cơ quan, địa phương. Dù chúng tôi làm đúng luật, nhưng sự hỗ trợ tận tâm từ cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa được như mong đợi. Chúng tôi kỳ vọng cơ quan quản lý cần có tư tưởng hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Chúng tôi không yêu cầu gì vượt quá giới hạn, chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và nhiệt tình để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay. Nếu cần, tổ chức cuộc họp và giải quyết vấn đề kịp thời” - ông Hoàng Đình Kiên kiến nghị. Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp này cũng hy vọng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử sẽ được cụ thể hóa ngay từ đầu để doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn liên quan đến thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải thực hiện ngay

Nêu quan điểm về những rào cản, vướng mắc của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận thực tế luôn thay đổi do đòi hỏi của thị trường ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, có những chính sách có thể tại thời điểm ban hành là phù hợp, nhưng ngay sau đó do doanh nghiệp, do thị trường đòi hỏi phải nhanh hơn, nhạy bén hơn, phải giảm chi phí hơn để cạnh tranh hơn… nên nó đã trở nên không phù hợp. Đây là điều bình thường. Thế nên, tất cả các khái niệm đều nói rằng cải cách thể chế là một quá trình thường xuyên, liên tục” - ông Phan Đức Hiếu nói.

Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách, ông Phan Đức Hiếu đánh giá tính kịp thời là một thách thức lớn. Kịp thời có nghĩa là chủ trương như thế này, nhưng bao lâu thì chủ trương trở thành quy định? Bên cạnh đó, tính đầy đủ và tính cụ thể hóa để có thể thực thi được. Chẳng hạn như chủ trương nói chung là mọi người có quyền tự do kinh doanh, nhưng thể chế hóa ra thành một quy định cụ thể thì không phải là một luật mà cần rất nhiều luật. Và đã có luật rồi thì thực thi luật như thế nào?

Theo vị chuyên gia, mặt tích cực là chúng ta thường xuyên hoàn thiện luật, song thực thi cần phải cải thiện nhiều mặt. “Chẳng hạn như cùng một thủ tục mà ở nơi này chậm hơn nơi khác là doanh nghiệp có thể kém thuận lợi hơn. Hay cùng một thủ tục nhập khẩu, nhưng ở cảng này giải phóng hàng nhanh, cảng kia giải phóng hàng chậm, thì có những doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại vì hàng của đối thủ đã bán ra trước. Hay như thực thi chính sách gặp vướng mắc về hạ tầng. Ví dụ như việc kê khai thủ tục trực tuyến, những khi nghẽn mạng, hạ tầng hay phần mềm không thuận lợi… ảnh hưởng rất nhiều đến thực thi.

Hoặc trong quá trình thực thi có thể không sai về luật, như quy định trong vòng 5 - 10 ngày chúng ta cấp giấy phép, nhưng đối với doanh nghiệp cấp sớm 1 - 3 ngày có thể là cơ hội kinh doanh, cấp muộn 1 - 3 ngày có thể sẽ bị thiệt hại... Nếu các địa phương, các cơ quan khác nhau thực hiện các thủ tục khác nhau thì đôi khi doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh cạnh tranh không bình đẳng” - ông Phan Đức Hiếu cho hay. Các tồn tại trên có thể khắc phục, cải thiện được nếu các cơ quan, địa phương làm hết sức, luôn vì lợi ích của doanh nghiệp. Từ góc độ của doanh nghiệp, họ rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật.

Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, chúng ta đặt mục tiêu để phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dẫn dắt bên cạnh start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì bây giờ thể chế hóa như thế nào?. “Chúng ta cứ nói mà không có cách hỗ trợ phù hợp với kinh tế thị trường, phù hợp với cam kết hội nhập thì cuối cùng lại là trên giấy, gây mất lòng tin. Bên cạnh đó, những câu chuyện từ Covid-19 đến chương trình phục hồi hay gần đây nhất là tác động tiêu cực của cơn bão Yagi, chúng ta có những chính sách rất nhanh chóng. Nhưng làm thế nào để đưa vào cuộc sống? Đấy là những cách hỗ trợ làm sao mà người dân cảm nhận được” - ông Võ Trí Thành nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Khi doanh nghiệp khó khăn, hãy cho họ thấy “đường ra”

Chủ trương của Đảng và Nhà nước không chỉ động viên về vật chất, về thể chế mà còn động viên về tinh thần. Việc phải làm thế nào để tinh thần của doanh nghiệp, doanh nhân được thổi bùng hơn, phát triển hơn chúng ta đã nói nhiều rồi. Khi một thủ tục nào đó có vướng mắc, có thể do lỗi của doanh nghiệp, có thể do lỗi của cơ quan Nhà nước, họ mong muốn phải được giải quyết chứ không để xảy ra tình trạng có vướng mắc nhưng không biết có được giải quyết hay không và có giải quyết được hay không... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và động lực của doanh nghiệp. Do đó, tôi có 2 kiến nghị.

Thứ nhất, có những vướng mắc giải quyết về mặt thể chế thì phải sửa kịp thời. Hiện nay, tôi vẫn mong muốn Chính phủ nên tiếp tục suy nghĩ thêm về cơ chế. Ví dụ, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hoạt động và có hiệu quả nhất định. Quốc hội khóa XV đã một lần sửa nhiều luật và bây giờ Chính phủ đã chuẩn bị trình sửa nhiều luật khác. Tôi muốn nhấn mạnh theo kinh nghiệm quốc tế làm sao để cơ quan này độc lập chuyên môn, hoạt động thường xuyên chứ không kiêm nhiệm.

Thứ hai, khi vướng mắc không phải là do luật mà do quá trình thực hiện, doanh nghiệp phản ánh lên địa phương, cơ quan nhà nước, thì làm thế nào để vướng mắc đó được giải quyết, cần được chỉ rõ ra. Thực tiễn, tôi chưa nhìn thấy cơ chế nào để giải quyết vướng mắc trong khâu thực thi. Tôi rất mong muốn khi doanh nghiệp gặp vướng mắc thì sẽ có một đường dây nóng để phản ánh, phản ánh để được giải quyết chứ không phải phản ánh để được ghi nhận. Khi gặp khó khăn, doanh nghiệp nhìn thấy “đường ra” thì mới động viên được tinh thần. Còn khi không thấy “đường ra”, không biết ngày nào được giải quyết, không ai giải quyết cho thì tinh thần của họ sẽ bị “thui chột”.