Giữ vàng thiệt đủ đường

ANTĐ - Bên cạnh những lo lắng do vàng giả, vàng nhái thương hiệu rồi bị ép giá do vàng móp méo… trong thời gian qua, người nắm giữ vàng miếng còn chịu thiệt thòi do chính sách đối với vàng vẫn còn nhiều bất cập.

Người dân muốn biết rõ lộ trình chuyển đổi vàng phi SJC

Nếu cho chuyển đổi trước…

Đây là mong ước của không ít người dân đang giữ vàng miếng các thương hiệu khác. Chị Ngọc Tâm (quận Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: “Hai vợ chồng tôi mở quán cơm được gần 5 năm, làm lụng tích góp mỗi năm cũng bỏ ra được khoảng 2 cây vàng. Khi mua cũng nào có tính toán gì, chỉ chọn thương hiệu uy tín là vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu giống như mọi người. Thời điểm mua thì giá vàng miếng của cả 2 công ty này không chênh nhau là mấy. Nhưng từ năm ngoái giá vàng Rồng ngày càng bị giá vàng SJC bỏ xa. Giờ muốn bán để chuyển sang vàng SJC thì thiệt khá lớn”.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép chuyển đổi các loại vàng khác sang SJC trước khi đưa SJC thành thương hiệu vàng quốc gia và NHNN độc quyền sản xuất vàng SJC thì những người nắm giữ vàng miếng thương hiệu khác như chúng tôi đã không bị thiệt nhiều đến vậy”, chị Tâm bức xúc. 

Cũng như chị Tâm, nhiều người đang giữ vàng miếng các thương hiệu vàng khác như vàng miếng AAA của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vàng SBJ của Ngân hàng Sacombank… cũng chỉ biết chờ đợi có chính sách chuyển đổi mà họ không bị thiệt quá nhiều. 

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng: “Theo đánh giá của NHNN thì vàng SJC chiếm tới 90% các giao dịch vàng, chiếm khoảng 85% lượng vàng mà người dân và tổ chức đang nắm giữ. Vậy tại sao chỉ với vài phần trăm còn lại mà NHNN lại không cho phép chuyển đổi trước khi thực hiện độc quyền sản xuất vàng miếng. Mặc dù sau đó NHNN đã cho phép chuyển đổi vàng không phải SJC với mức phí 50.000 đồng/lượng nhưng hạn ngạch chuyển đổi lại không rõ ràng, không có một lộ trình cụ thể, đơn vị nào được phép chuyển đổi cũng không được công bố.

Dường như NHNN cũng chưa tính tới quyền lợi của người dân nắm giữ vàng thương hiệu không phải SJC. Chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản là kiểm định chất lượng, nếu đảm bảo thì cho phép chuyển đổi với mức phí 50.000 đồng thì người giữ vàng đã không bị các đơn vị thu mua ép giá thấp hơn 2 – 3 triệu đồng mỗi lượng”. 

“Sau một thời gian” là bao lâu?

Câu hỏi được không ít người đặt ra là cùng 1 lượng vàng, cùng chất lượng 9999 nhưng chỉ khác nhau về bề ngoài mà chênh lệch lại quá lớn và khi các doanh nghiệp mua lại vàng với giá thấp, chỉ mất thêm 50.000 đồng chuyển đổi thì miếng vàng cũ đã được cộng thêm 3 triệu đồng, chênh lệch này vào túi ai?

Một doanh nghiệp kinh doanh vàng lý giải, việc mua vàng giá rẻ là do trước đây họ vẫn phải mua lại vàng do mình bán ra, tuy nhiên thời điểm đó chưa được phép chuyển đổi sang vàng SJC. Do đó, doanh nghiệp phải chịu các khoản lãi vay, rủi ro biến động giá… chưa kể là việc không thể xoay vòng vốn. Khi NHNN cho phép chuyển đổi thì việc tính các chi phí đó không còn cách nào khác là trừ vào giá mua vàng miếng của người dân. Tuy nhiên, đại diện công ty SJC cho rằng, bản thân những doanh nghiệp này đã bỏ túi khoản chênh lệch khá lớn do mua thấp, bán cao. Có thể nói đây là bất cập của chính sách.

Đại diện NHNN - ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng, tâm lý người dân muốn nhanh chóng chuyển đổi sang vàng miếng SJC, tuy nhiên người dân nên bình tĩnh, không nhất thiết phải chuyển đổi ngay sang vàng SJC bởi nếu tất cả mọi người đều muốn chuyển đổi ngay lập tức, có thể sẽ bị ép giá, gây phức tạp thị trường. “Sau một thời gian nữa việc chuyển đổi sẽ diễn ra bình thường, thông suốt”, ông Huy khẳng định.

Nhưng những người nắm giữ vàng vẫn chưa thể yên tâm bởi không biết “sau một thời gian” theo đại diện NHNN là bao lâu? Lộ trình chuyển đổi như thế nào chưa rõ ràng. Không đủ kiên nhẫn chờ đợi một chính sách chuyển đổi vàng miếng có lợi hơn, nhiều người giữ vàng thương hiệu khác khi cần tiền vẫn phải chấp nhận bán ra cho doanh nghiệp mua lại vàng miếng của chính mình với mức giá thấp hơn 3 triệu đồng/lượng. 

(Còn nữa)