“Gió biển 2011” gây sóng lớn

(ANTĐ) - Quyết định của Mỹ điều tuần dương hạm Monterey trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tới Biển Đen tham gia cuộc tập trận “Gió biển 2011” với Ukraine đang làm quan hệ Nga - Mỹ nổi sóng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga phát đi hôm 12-6 khẳng định rõ việc tuần dương hạm Monterey được điều đến Biển Đen tập trận nằm trong khuôn khổ kế hoạch theo từng giai đoạn của chính quyền Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu. Theo đó, các tàu chiến của Mỹ sẽ được bố trí ở Địa Trung Hải, biển Adriatic và biển Aegean Sea, tiến tới áp sát vào nước Nga từ phía Nam là Biển Đen khi có điều kiện. Sự nghi ngờ của Nga không phải không có lý. Vấp phải sự phản đối của Nga, từ năm 2009, Mỹ triển khai kế hoạch phòng thủ 4 giai đoạn tới năm 2020. Theo đó, Lầu Năm Góc cho triển khai các tàu chiến có khả năng theo dõi và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu đến Địa Trung Hải. Để thực hiện kế hoạch này, ngân sách của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã tăng từ 7,8 tỷ USD năm 2010 lên 8,4 tỷ USD năm 2011 và 8,6 tỷ USD trong năm 2012.
“Gió biển 2011” gây sóng lớn  ảnh 1
Tuần dương hạm Monterey
Số kinh phí này được dùng để nâng cấp 21 tàu trang bị hệ thống radar có khả năng theo dõi và cảnh báo sớm hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của đối phương, đồng thời chỉ thị cho hỏa lực trên tàu tiêu diệt. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn dự định mua 46 thiết bị đánh chặn trên biển, bổ sung thêm 6 quả tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA và 12 tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB. Cũng nằm trong kế hoạch này, tháng 3 vừa rồi, tuần dương hạm hạng nặng Monterey với biên chế tổ hợp điều khiển vũ khí Aegis và tên lửa phòng không, tên lửa đánh chặn đã rời căn cứ hải quân Norfolk ở bang Virginia (Mỹ) tiến vào Địa Trung Hải. Với sự xuất hiện của Monterey ngay tại biên giới phía Nam của nước Nga thì mọi chuyện không còn là phòng thủ. Trước hết, khó ai có thể tin rằng một cuộc tập trận chống cướp biển như “Gió biển 2011” lại cần đến những chiến hạm tối tân như Monterey. Chẳng lẽ cướp biển lại có khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo? Thêm nữa, nguy cơ châu Âu bị tấn công bằng tên lửa của Iran như Mỹ và NATO “than phiền” là điều không thực tế bởi hiện tại Iran chưa sở hữu tên lửa có khả năng bắn đến châu Âu. Chính vì thế, sự xuất hiện của tuần dương hạm Monterey tại Biển Đen chỉ có thể giải thích là mưu toan của Mỹ và NATO xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa bao quanh nước Nga nhằm vô hiệu hóa tiềm năng răn đe của kho vũ khí hạt nhân mà Nga đang sở hữu. Nó cho thấy mối quan ngại của Nga về hậu quả nguy hiểm của hệ phòng thủ tên lửa ở châu Âu vẫn tiếp tục bị phớt lờ. Dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận và các cuộc đàm phán về hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, Mỹ và các đối tác NATO vẫn quyết theo đuổi tham vọng riêng của mình.   Còn nhớ, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - NATO tại Lisbon (Tây Ban Nha), Tổng thống Nga D. Medvedev và Tổng thống Mỹ B. Obama đã thỏa thuận các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa triển khai ở châu Âu không nhằm vào lực lượng răn đe hạt nhân của Nga, cũng như Nga cần phải được tham gia bình đẳng vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Phản ứng trước việc tuần dương hạm Monterey tiến vào Biển Đen, Matxcơva tái khẳng định sẽ không làm ngơ trước sự xuất hiện của các yếu tố trang thiết bị chiến lược của Mỹ tại khu vực giáp các đường biên giới Nga và sẽ coi đó là một mối đe dọa tới an ninh nước Nga, kích thích một cuộc chạy đua vũ trang. Chưa biết Nga sẽ đưa ra biện pháp cụ thể nào trên thực tế nhưng quan hệ Nga - Mỹ lại bắt đầu nóng.