Giấu không nổi

ANTĐ - Việc Trung Quốc buộc phải thừa nhận sự cố tràn dầu từ một giàn khoan trên biển Bột Hải đã làm dấy lên những lo ngại về mức độ ảnh hưởng đối với môi trường biển trong khu vực.
 

Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) ngày 5-7 lần đầu tiên công bố về sự cố tràn dầu trên biển Bột Hải phía Đông Bắc nước này. SOA cho biết, sự cố tràn dầu xảy ra hai lần vào các ngày 4 và 17-4 tại mỏ dầu khí Bồng Lai 19-3.

Bồng Lai 19-3 là mỏ dầu trên biển lớn nhất của Trung Quốc, do Tổng Công ty Dầu mỏ hải dương Trung Quốc (CNOOC), giữ 51% cổ phần, và Công ty Dầu mỏ Conoco Phillips Trung Quốc (COP-N), 49% cổ phần, hợp tác khai thác. Mỏ dầu này được đưa vào khai thác từ năm 2002 với sản lượng 18.000 thùng dầu mỗi ngày song đã gia tăng nhanh chóng lên 150.000 thùng mỗi ngày vào thời điểm xảy ra vụ tràn dầu.

Số liệu chính thức của SOA cho biết, vụ tràn dầu đã gây ra vệt dầu loang rộng 840 km trên biển Bột Hải. Thế nhưng, trong thông báo đưa ra ngày 3-7, liên doanh CNOOC và COP-N lại cho rằng sự cố không có gì nghiêm trọng với diện tích tràn dầu chỉ 20km2 (?!).

Việc các cơ quan hữu trách chỉ lên tiếng thông báo chính thức về vụ tràn dầu khi sự số đã xảy ra hơn một tháng đã gây ra nhiều phản ứng, nhất là của những người dân Trung Quốc sinh sống ở các vùng biển gần với nơi xảy ra sự cố. Việc thông báo chậm trễ này có thể làm cho ảnh hưởng tới môi trường biển cũng như sinh kế của người dân thêm nặng nề.

Điều đáng nói là việc thông báo của cơ quan hữu trách chỉ diễn ra sau khi thông tin chi tiết về vụ tràn dầu này được đăng tải đầu tiên trên SinaWeibo, một trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc vào ngày 21-6.

 

Đôi chân đầy dầu của một công nhân trong vụ tràn dầu vào bờ biển tỉnh Liêu Đông tháng 5-2010 

Trong thông báo chính thức của CNOOC cũng chỉ cho biết sự cố tràn dầu đã được khống chế và số dầu loang trên biển đã được thu hồi hết. Song CNOOC chưa đưa ra báo cáo về ảnh hưởng đối với sinh vật biển, ngư nghiệp cũng như giao thông hàng hải trong sự cố tràn dầu này.

Tuy nhiên, chính báo chí Trung Quốc lại lên tiếng phàn nàn về vụ rò rỉ dầu mà họ cho là “làm ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến môi trường, gây thiệt hại trực tiếp cho ngành thủy sản quanh khu vực”. Tờ Nhật báo Trung Quốc (China Daily) mô tả, có thể thấy hàng loạt tảo biển chết và cá bị thối rữa ở vùng nước quanh hòn đảo Nanhuancheng thuộc tỉnh Sơn Đông, cách địa điểm tràn dầu khoảng 75 km.

Hiện CNOOC đang cố gắng ngăn người dân địa phương khỏi phẫn nộ về việc họ đã không cảnh báo kịp thời với công chúng về vụ tràn dầu. Trong khi đó, quan chức của SOA cho biết cơ quan chức năng đang điều tra về thông tin cho rằng công ty đã che giấu sự cố tràn dầu.

Đây không phải là lần đầu tiên CNOOC che giấu sự cố tràn dầu. Cách đây một năm, một sự cố tràn dầu nghiêm trọng cũng đã xảy ra ngày 13-5-2010 tại giếng khoan dầu số 1 Nam Hải do Chi nhánh Thiên Tân của CNOOC quản lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển, cuộc sống người dân và lưu thông hàng hải thuộc bờ biển tỉnh Liêu Đông. Những thông tin cụ thể về thiệt hại của vụ tràn dầu này cho tới nay vẫn chưa được công bố.