Giáp mặt cô học trò “tuyết” người Khmer

ANTĐ - Con đường quanh co, khúc khuỷu, chỉ lọt một chiếc xe máy đi qua, dẫn sâu vào xóm người dân Khmer nghèo. Ở đấy có nhà em Lý Thị Thu Trang (trường THCS Kế Sách, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), người được gọi là cô học trò "tuyết".

Đứa trẻ sơ sinh trắng khác thường

Nắng chiều xen qua kẽ lá, soi rọi dưới nền đất, cành cây bị rung rinh bởi một cơn gió mạnh làm vạt nắng chuyển hướng sang bé gái đang đứng xếp củi trước nhà, đó chính là "người tuyết" Lý Thị Thu Trang. Thấy chúng tôi đến, cô bé vội chạy một mạch vào nhà gọi ba, mẹ, ông bà ngoại báo có người lạ đến chơi. Như biết trước chúng tôi đến tìm hiểu về con cháu mình, nên cả nhà Trang đón tiếp khá niềm nở.

Trang có làn da trắng, tóc vàng bạch kim, đôi mắt xanh và đôi môi đỏ thắm


Bà Lý Thị Phon (60 tuổi, bà ngoại của Trang) kể lại ngày đưa con gái Trần Thị Thu Linh (39 tuổi, mẹ của Trang) đi đẻ: “Tôi vẫn còn nhớ mãi cách đây 12 năm lúc trời rạng sáng, tôi cùng con rể Lý Sa Vươl (36 tuổi, là cha của Trang) đưa con Linh đến bệnh viện đa khoa huyện Kế Sách để sinh con, do không yên tâm nên tôi đã xin vào phòng đẻ cùng, để động viên con mình. Khi cháu Trang chào đời, hiện ra trước mắt tôi là cái đầu, tóc và khuôn mặt trắng không thể nào tưởng tượng nổi".

Nổi tiếng từ thủa lọt lòng

Ngay sau khi biết chị Linh sinh con ra trắng giống người nước ngoài, khoảng hơn 100 người trong và ngoài bệnh viện đã kéo đến vây kín phòng sinh để xem. 

Với bề ngoài đặc biệt, cô bé được người dân địa phương ví von là "người tuyết"


“Lúc sinh con ra đến khi xuất viện, vợ tôi ở đó tổng cộng 4 ngày, chẳng ngày nào được nghỉ ngơi vì chốc chốc là có người đến xin được ngắm nhìn con tôi, người thân quen có, người lạ có. Về nhà cũng vậy, ngày nào cũng có hàng chục người từ nơi xa không ngại mưa nắng, đường sình lầy đến để xin xem con Trang. Thậm chí ngay cả phụ nữ mang thai cũng đến và vuốt để cầu mong được sanh con giống vợ tôi”-  anh Vươl kể lại.

Con ngoan trò giỏi và giấc mơ xuất ngoại

Kế Sách là một huyện có nhiều đồng bào Khmer sinh sống, đa phần là họ sống bằng nghề buôn bán nhỏ và làm công việc đồng án. Người Khmer thường có nước da ngăm đen, sự xuất hiện của Trang vì vậy trở thành niềm vui lớn cho người dân nơi đây, họ rất yêu quý em.

Trang bên mẹ

Ở nhà em chăm chỉ giúp gia đình rửa chén, nấu cơm, quét nhà, chẻ củi, giặt quần áo… còn ở trường, thì thầy Lý Tuấn - Phó hiệu trưởng trường THCS Kế Sách nhận xét về cô học trò nhỏ lớp 6A5 như sau:  “Em luôn lễ phép với thầy cô giáo, chan hòa với bạn bè, rất siêng năng trong học tập, là học sinh tiên tiến nhiều năm liền. Em Trang cũng rất tích cực tham gia phong trào đoàn hội, hoạt động ngoại khóa, luôn quan tâm đối xử tốt với bạn bè nên ai ai cũng quý mến".

Khi được hỏi về ước mơ sau này của mình, cô học trò nhỏ mỉm cười, thỏ thẻ: “Cháu muốn lớn lên được đi nước ngoài và trở thành nhà thiết kế thời trang, vì cháu rất giống người nước ngoài mà. Mọi người ai cũng bảo cháu như thế đó các chú à”.