Giảm giá hàng hóa cần “độ trễ”, nhưng không nên trễ quá!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giá xăng dầu đã giảm 4 lần liên tiếp nhưng giá hàng hóa, dịch vụ dường như vẫn “đứng yên”. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp cần phải tính toán lại giá thành sản xuất.
Cần giải pháp "hạ nhiệt" giá cả hàng hóa

Cần giải pháp "hạ nhiệt" giá cả hàng hóa

Chiều 4-8, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm- Thực trạng và giải pháp”.

Ông Trần Bảo Ngọc (Vụ trưởng Vụ Vận tải- Bộ GTVT) cho rằng, có nhiều yếu tố cấu thành nên giá thành vận tải và dịch vụ. Với mỗi loại hình vận tải thì tỷ trọng chi phí xăng dầu lại khác nhau nhưng mức trung bình là 30-40% trong tổng chi phí cấu thành giá vận tải.

“Khi giá xăng dầu giảm, giá dịch vụ vận tải vẫn neo ở mức cao. Doanh nghiệp cần tính toán xem lại mức tính, kê khai giá và thực hiện niêm yết giá. Dù điều chỉnh giá cần có “độ trễ” nhưng cũng không nên trễ quá. Bốn lầm giảm giảm thì cũng đủ độ trễ rồi”- ông Trần Bảo Ngọc nói.

Đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh là dù dịch vụ vận tải đang được quản lý theo cơ chế thị trường nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn phải thực hiện kê khai giá, Nhà nước quy định khung giá.

“Những đơn vị chỉ có tăng giá chứ không giảm giá nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý theo quy định, phải trả lại tiền cho khách hàng”- ông Trần Bảo Ngọc nói.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì người dân không nên phản ứng thái quá với công tác điều hành giá cả, bởi giá cả vận hành theo cơ chế thị trường. “Quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung để ổn định giá cả thị trường. Hy vọng thời gian tới giá cả sẽ dịu hơn”- vị chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực còn cho rằng cần giải “bài toán” về logistics, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết hạn chế của khâu trung gian để không có chênh lệch quá nhiều. Cùng với đó cần công khai minh bạch về giá, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Đánh giá cao tác động của giá cả đến doanh nghiệp và người dân, ông Vũ Vinh Phú- chuyên gia thị trường cho rằng, rất cần thiết phải nguồn cung hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước diễn biến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, bà Đinh Thị Nương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị, đề xuất Chính phủ giảm một số sắc thuế đối với mặt hàng xăng dầu và mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng chiến lược như: xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu… vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ tăng giá theo lộ trình… Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả để có phương hướng điều hành phù hợp, nhất là với những mặt hàng có biến động giá lớn.