Xăng dầu đã giảm giá 4 lần, bao giờ giá hàng hóa “hạ nhiệt”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù giá xăng đã giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa ở chợ hầu hết vẫn “bất động”, thậm chí một số loại hàng hóa còn tăng giá.
Giá cả hàng hóa chậm "hạ nhiệt"

Giá cả hàng hóa chậm "hạ nhiệt"

Chị Hoàng Lan (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Hôm qua tôi mua trứng gà ta trong siêu thị đã thấy tăng 5.000 đồng/chục quả. Trước là 45.000 đồng, giờ là 50.000 đồng/chục. Các loại rau gia vị như hành, mùi, thì là… cũng tăng giá đáng kể”.

Giá trứng gia cầm tăng một phần do chi phí vận chuyển, một phần do thức ăn chăn nuôi tăng giá và thời tiết ấm nóng khiến người chăn nuôi giữ trứng để ấp nở, tái đàn nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo chị Lan, giá thịt lợn đã ổn định trong gần 1 tuần nay, ở mức sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc vai 140.000 đồng/kg; mông sấn 120.000 đồng/kg. “Giá thịt lợn đã tăng so với hồi đầu tháng 7 nhưng giữ ổn định rồi, không tăng cũng chưa thấy giảm”- chị Hoàng Lan nói.

Trong khi đó, chị Hồng Liên (Nam Từ Liêm- Hà Nội) lại cho hay, các loại thịt lợn tại chợ đã giảm từ 10.000- 20.000 đồng/kg. Sườn thăn, nạc vai, nạc mông, ba chỉ ngon chỉ còn 110.000 đồng/kg; các loại thịt khác khoảng 100.000 đồng/kg.

Dù vậy, ngoài thịt lợn giảm giá nhẹ thì các loại thực phẩm tươi sống khác vẫn giữ giá ở mức cao. Gà ta lông 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước đó; cánh gà công nghiệp 85.000-90.000 đồng/kg; đùi gà nguyên con 75.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con 65.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây một tháng.

Thịt bò các loại dao động từ 240.000-270.000 đồng/kg; cá nục 40.000-50.000 đồng/kg tùy kích cỡ; cá trắm nguyên con 65.000 đồng/kg, cắt khúc 90.000 đồng/kg, cũng cao hơn 10.000 đồng/kg so với mức giá duy trì trong các tháng đầu năm nay.

Đối với các loại rau, giá khá ổn định: rau muống 8.000- 10.000 đồng/mớ; bí xanh 10.000 đồng/kg; khoai sọ 15.000- 18.000 đồng/kg; ngao 17.000-20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rau gia vị vẫn khá đắt. Chẳng hạn hành lá 40.000 đồng/kg; rau mùi 70.000 đồng/kg.

Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, diễn biến giá cả cũng diễn biến trái chiều. Mặt hàng dầu ăn sau khi tăng giá mạnh hồi đầu năm nay hiện các đại lý bán lẻ đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/chai 1 lít. Nguyên nhân giảm giá được cho là do chi phí vận chuyển đã “hạ nhiệt”, kèm theo đó nguyên liệu sản xuất dầu ăn nhập khẩu đã dồi dào trở lại, giá nguyên liệu cũng đi xuống.

Chị Mai Thùy Dương (chủ cửa hàng tạp hóa lớn tại Hà Đông) cho biết, cửa hàng của chị đã nhận được thông báo tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm từ tháng 8. Tuy nhiên, mức giá cụ thể với từng mặt hàng thì hiện chưa có.

Trong khi đó, hơn 1 tháng qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh đã tăng từ 5.000-10.000 đồng/sản phẩm: Giấy vệ sinh các loại đều tăng từ 5.000-7.000 đồng/bịch; sữa tươi các loại tăng giá mấy lần từ đầu năm, mỗi lần nhích lên 10.000-15.000 đồng/thùng; mì ăn liền Hảo Hảo tăng từ 105.000/thùng lên 108.000 đồng/thùng; phở bò, gà khô tăng 10.000 đồng/thùng, giá bán hiện áp dụng là 180.000 đồng/thùng.

Đáng chú ý, một số loại hàng hóa khác dù không tăng giá nhưng lại giảm trọng lượng. Ví dụ như bột giặt Omo trước có giá 210.000 đồng/túi 6kg, giờ vẫn giữ giá này nhưng túi đóng gói mới chỉ còn 5,7kg.

Áp lực hàng hóa tăng giá đang đè nặng lên mỗi người tiêu dùng, trong khi thu nhập của người lao động sau đại dịch chưa tăng. Để thích nghi, người dân đều phải tìm cách thức phù hợp.

Chị Hồng Liên cho biết: “Gia đình tôi gồm 4 người lớn, 2 trẻ em, chi phí thức ăn hàng ngày khá cao nên dịp này, tôi thường tranh thủ dậy sớm đi chợ đầu mối mua hàng cho rẻ. Mua liền thức ăn cho 2-3 ngày cũng tiết kiệm được kha khá”.

Trong khi đó, chị Hoàng Lan vẫn chi tiêu như thường lệ cho bữa cơm gia đình nhưng lại tiết giảm tối đa việc mua sắm không thực sự cần thiết như: túi xách, mỹ phẩm, quần áo… của các thành viên trong gia đình.

Nhiều người tiêu dùng khác lựa chọn siêu thị như một kênh mua sắm thông minh bởi lẽ, hầu hết các siêu thị đều có chương trình khuyến mại, giảm giá cho hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Người mua thông minh sẽ lựa chọn được đồ dùng gia đình cần thiết và tranh thủ được khuyến mại.

Giá hàng hóa tăng chóng mặt trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh từ tháng 3 năm nay, khiến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Mặt khác, giá hàng loạt mặt hàng nguyên liệu sản xuất nhập khẩu và trong nước đều tăng giá mạnh trong thời gian qua, khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên.

Tuy nhiên, đến nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm giá tương ứng, cho thấy biểu hiện lạm dụng tình hình thị trường để tăng giá bất hợp lý.

Một chuyên gia kinh tế cho biết: “Các nhà sản xuất, phân phối đều nói đến độ trễ của chính sách, chẳng hạn như khi giá xăng giảm thì cần thêm thời gian để điều chỉnh giá hàng hóa xuống tương ứng. Nhưng thực tế thì giá xăng đã giảm liên tiếp 4 lần trong hơn 1 tháng qua, ngoại trừ yếu tố đầu vào tăng do nguyên liệu sản xuất thì giá hàng hóa đã phải giảm theo giá xăng dầu.

Mặt khác, hiện tại xu hướng giá xăng dầu đều đã dự báo được trước nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể tham khảo, tính toán phương án điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ sớm mà không cần đợi “độ trễ”. Chưa giảm giá bán nhà các doanh nghiệp đang cố tình trì hoãn giảm giá”.

Trước những diễn biến trên thị trường, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 679/CĐ-TTg, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá với từng nhóm hàng cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có công điện yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý.

Từ 15h ngày 1-8, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm. Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp kể từ đầu tháng 7 vừa qua. Tổng cộng mức giảm giá sau 4 lần là: 7.165 đồng đối với xăng RON95; 6.673 đồng với xăng E5Ron92 và 5.471 đồng đối với dầu diesel.