- Chứng khoán: Sắp áp dụng trở lại lô giao dịch tối thiểu 10 cổ phiếu
- Thấy gì sau hơn 2 tuần vận hành hệ thống giao dịch mới trên HOSE?
- HOSE: 21 năm khởi tạo và phát triển thị trường chứng khoán
Dự án kéo dài 10 năm và những vui buồn của người làm chứng khoán
Năm 2012, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai gói thầu về hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đây là một dự án được kỳ vọng khi đưa vào vận hành sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, tức là sau gần 10 năm, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Nói về nguyên nhân gói thầu KRX chậm trễ, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đây là một “kỷ niệm vui buồn lẫn lộn” của những người làm chứng khoán.
“Khi đấu thầu xong, trong quá trình triển khai, chúng tôi mới nhận thấy giới hạn nhận thức là một rào cản rất lớn. Nhận thức chúng ta chưa nhiều, do vậy mất rất nhiều thời gian cùng nhà thầu nước ngoài định hình hệ thống.
Mới đầu, chúng tôi dự định chỉ triển khai cho HOSE, nhưng khi bước vào triển khai lại muốn mở rộng cho toàn hệ thống, cả HNX, VSD, và các sản phẩm mới như trái phiếu, phái sinh... Như vậy, phạm vi mở rộng hơn dự tính ban đầu khá nhiều, công nghệ mở rộng hơn nhiều. Đó là quá trình rất khó khăn” – ông Trần Văn Dũng chia sẻ.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai hợp đồng với KRX, một nhà thầu phụ rất quan trọng của họ bỏ ngang, do đó, KRX đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm nhà thầu khác.
Khi các vấn đề giải quyết xong thì đại dịch Covid-19 lại bùng phát làm ảnh hưởng đến việc đưa chuyên gia vào trong nước. Thêm vào đó, hợp đồng theo hình thức EPC (Thiết kế - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp), do đó không được thay đổi nội dung, kinh phí dự án. Trong khi thời gian các chuyên gia lưu trú tại Việt Nam mất rất nhiều kinh phí phát sinh, do đó, phía UBCKNN và HOSE phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này.
“Hiện nay hệ thống đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến đến cuối năm nay có thể đi vào hoạt động. Câu chuyện này là kỷ niệm vui buồn lẫn lộn của những người làm chứng khoán” – ông Dũng cho hay.
Giải pháp tổng thể để nâng tầm TTCK Việt Nam
Một số nguồn dư luận cho rằng việc tiếp tục triển khai gói thầu KRX tại thời điểm này là không cần thiết và nên bỏ ngang dự án này vì các doanh nghiệp CNTT trong nước đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ liên quan đến TTCK, có thể đủ năng lực để xây dựng một hệ thống phù hợp với hiện trạng pháp lý, cấu trúc thị trường và các yếu tố khác của Việt Nam.
Đặc biệt, giải pháp kỹ thuật do FPT xây dựng đi vào vận hành từ đầu tháng 7 vừa qua với khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, đã đáp ứng được nhu cầu giao dịch hiện tại của HOSE và giải quyết triệt để tình trạng quá tải trên thị trường trước đó.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn cần đến một giải pháp công nghệ tổng thể để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài |
Tuy nhiên, Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, dù hệ thống hiện tại đang vận hành ổn định, nhưng TTCK Việt Nam vẫn cần một giải pháp căn cơ, lâu dài, bởi thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở đây.
Lãnh đạo HOSE cho biết, trên thực tế, hệ thống phần mềm của FPT đang áp dụng tại HOSE là phương án thay thế tạm thời cho phân hệ khớp lệnh và giao dịch của HOSE trong khi dự án với Hàn Quốc bao trùm toàn bộ TTCK Việt Nam và thay thế toàn bộ nền tảng CNTT của HOSE, HNX và cả VSD. Các cấu phần nghiệp vụ của hệ thống này bao gồm: giao dịch, chỉ số, thông tin thị trường, giám sát, thanh toán – bù trừ và đăng ký – lưu ký.
Bên cạnh việc đồng bộ hóa TTCK, dự án này còn là kết tinh của thông lệ quốc tế, chứa đựng nhiều năm kinh nghiệm phát triển thị trường. Do đó, hệ thống KRX có sẵn nhiều tính năng, đa dạng sản phẩm tài chính với thời gian chỉnh sửa và áp dụng linh hoạt hơn nhiều so với việc nghiên cứu và xây dựng các tính năng mới trên hệ thống hiện tại. Do đó, hệ thống KRX cho phép rút ngắn thời gian triển khai sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Theo ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE, hệ thống của TTCK là rất phức tạp với phạm vi hoạt động rộng. Vì vậy, trên thế giới chỉ có một số ít các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật này và mức độ cạnh tranh trong rất cao. "Hiện nay, ngoại trừ các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật, thì hầu như các nước chỉ có 1 Sở Giao dịch Chứng khoán. Chỉ có người cung cấp giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất thì mới tồn tại đc trên thị trường này” – ông Lê Hải Trà cho biết.
Lãnh đạo HOSE cũng cho biết, trong khu vực ASEAN, hiện nay ngoại trừ Việt Nam thì hầu hết đều sử dụng giải pháp của Nasdaq OMX, nên việc thay đổi hệ thống giao dịch ở Việt Nam sẽ khác với các nước.
“Khi đấu thầu, chúng tôi đi xem hệ thống thực tế của Nasdaq OMX, họ tổ chức một lực lượng nhân lực rất đông đảo với khoảng 200 nhân sự để thực hiện thay đổi hệ thống giao dịch trong khoảng 14 tháng. Điều đó để thấy mức độ phức tạp của việc thay đổi 1 hệ thống giao dịch phức tạp đến mức nào” – ông Trà cho biết thêm.
Ngoài ra, đối với các nước đi theo mục tiêu xây dựng, làm chủ hệ thống, họ phải có đội ngũ nhân sự IT vô cùng hùng hậu. Như Hàn Quốc, họ phải có công ty con về hệ thống IT (Koscom) với hàng nghìn kỹ sư IT.
Còn lãnh đạo UBCKNN - Ông Trần Văn Dũng thì cho rằng thời gian qua, chúng ta đã có những giải pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống đồng thời cũng có những giải pháp mang tính lâu dài. Xét tình hình phát triển trong những năm qua, chúng ta phải chuẩn bị sẵn nền tảng để nâng cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường, vì thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục phát triển.
Lãnh đạo UBCKNN, HOSE và các thành viên thị trường kỳ vọng với việc thay đổi hệ thống KRX vào đầu năm 2022 sắp tới, TTCK Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới, tham gia vào các chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng năm 2022, khi hệ thống KRX đưa vào vận hành sẽ thì TTCK Việt Nam sẽ có thể áp dụng giao dịch trong ngày; đồng thời sẽ áp dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ mới theo thông lệ quốc tế cùng với triển vọng nâng hạng TTCK.” – lãnh đạo HOSE bày tỏ.