Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân, như: giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…
Giải ngân vốn đầu tư công với dự án sân bay Long Thành cũng chậm

Giải ngân vốn đầu tư công với dự án sân bay Long Thành cũng chậm

Theo Bộ KH-ĐT, 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng.

Nói về nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng,để đánh giá là chậm hay không thì cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Ví dụ, thực tế tỷ lệ giải ngân giai đoạn 2017-2022, thì 5 tháng thường đạt khoảng 22-26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% (102,03 nghìn tỷ đồng), cao nhất là năm 2019 đạt 26,4% (96,89 nghìn tỷ đồng); tuy nhiên giải ngân cả năm thì có sự biến động mạnh, trong khoảng 76,89% đến 96,47%.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân năm 2018 là thấp nhất, đạt 76,89% (303,1 nghìn tỷ đồng), năm 2019 thấp thứ hai đạt 78,83% (325,1 nghìn tỷ đồng) mặc dù chính năm này tỷ lệ giải ngân 5 tháng đạt cao nhất trong giai đoạn 2017-2022.

Năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất là năm 2020 đạt 96,47% (450,2 nghìn tỷ đồng), là năm cuối kỳ trung hạn giai đoạn 2016-2020; năm cao thứ hai là 2021 đạt 95,7% (417,7 nghìn tỷ đồng) năm tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiều dự án của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị đầu tư cho 2021-2025.

“Có thể thấy rõ là tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là vậy, thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công,tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán”- ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp, điển hình là các năm 2020 - 2021 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…

Chưa kể, năm 2022 này lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…

Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Trên thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều dự án còn phải phù hợp với quy định trong nước và quốc tế. Dù được “gỡ khó”, song nhiều dự án vẫn không thể triển khai.

Đơn cử như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mặc dù Luật Đầu tư công cho phép và Quốc hội đã quyết định cho tách thành dự án độc lập, được áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, bố trí đủ vốn để thực hiện.

Nhưng thực tế triển khai dự án này rất chậm, tiến độ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra, Quốc hội phải quyết nghị cho phép bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục triển khai.

Điều này cho thấy rằng trên thực tế, kể cả đối với dự án giải phóng mặt bằng được quy định tách riêng, được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù với nguồn vốn được bố trí đầy đủ, tạo điều kiện trong triển khai nhưng vẫn có thể gặp vướng mắc trong chính bản thân việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến các quy định của pháp luật thì cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp với yêu cầu phát triển.

“Đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn…”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.