Trung Quốc - Mối lo khủng bố ngày càng rõ nét:

Giải mã động cơ khủng bố Tân Cương

ANTĐ - Trong sách xanh về an ninh quốc gia lần đầu tiên được Trung Quốc công bố hôm 6-5, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan được xác định là nguy cơ khủng bố trực tiếp và lớn nhất. Vậy bản chất của tổ chức này và bản chất của những hành vi khủng bố là gì?

Kẻ đứng sau “điểm nóng”

Turkestan (còn gọi là Turkistan) là một khu vực nằm ở Trung Á, được phân chia thành Tây Turkestan (Turkestan thuộc Nga) và Đông Turkestan (Turkestan thuộc Trung Quốc), với các dãy núi Thiên Sơn và Pamir tạo thành sự phân chia tự nhiên giữa hai vùng. Giữa thế kỷ 18, khu vực Đông Turkestan do nhà Thanh của Trung Quốc quản lý và được đặt tên là Tân Cương - biên cương mới. Đến đầu thế kỷ 20, một bộ phận các phần tử cực đoan đã tuyên bố Đông Turkestan là một quốc gia độc lập, đồng thời kêu gọi thành lập một nhà nước chính trị - tôn giáo hợp nhất tại đây. Những hoạt động phá hoại nhằm hướng tới mục đích này vẫn tiếp diễn sau khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.

Theo các tài liệu được công bố, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là một nhánh quan trọng của mạng lưới khủng bố do Bin Laden cầm đầu. Trong thời gian Taliban nắm quyền ở Afghanistan, trong lực lượng vũ trang của nhà nước này thậm chí còn có một “doanh trại Trung Quốc” do chính tổ chức này làm nòng cốt, với khoảng 320 phần tử khủng bố đến từ Tân Cương. Kẻ sáng lập và đứng đầu tổ chức là Hasan Mahsum, còn được biết đến với cái tên Abu-Muhammad al-Turkestani hay Ashan Sumut. Sinh ra ở Tân Cương năm 1964, Hasan Mahsum từng bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vì tham gia một vụ tấn công khủng bố với án lao động cải tạo 3 năm khi 29 tuổi. Năm 1997, Hasan trốn ra nước ngoài, sau đó gia nhập các nhóm khủng bố ở Afghanistan, thành lập Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan và lên kế hoạch cho một loạt vụ tấn công khủng bố ở Urumqi. Tháng 10-2003, Hasan bị quân đội Pakistan bắn chết trong một chiến dịch chống khủng bố ở biên giới Afghanistan. 

Từ năm 1990 đến 2001, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đã gây ra ít nhất 200 vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương, khiến 162 người thiệt mạng, hơn 440 người bị thương. Hai năm 1998-1999 được coi là thời kỳ phát triển lực lượng mạnh mẽ nhất của tổ chức này tại Tân Cương với hơn 1.000 thành viên. Cũng trong thời gian này, những vụ tấn công như giết người, phóng hỏa, gây nổ cũng liên tiếp xảy ra, biến Tân Cương thành “điểm nóng” trên bản đồ Trung Quốc. 

Cùng với sự trấn áp của chính quyền Bắc Kinh, hoạt động của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan tạm lắng xuống, song bắt đầu từ năm 2008 đã trở lại với cấp độ mạnh mẽ hơn bằng hàng loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó có vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một đồn biên phòng thuộc thành phố Kashgar, Tân Cương ngay trước thềm Thế vận hội 2008 làm 16 cảnh sát thiệt mạng, 16 người khác bị thương. Tháng 7-2009, một nhóm đối tượng cực đoan ở Tân Cương chuẩn bị hàng chục quả bom tự chế, chai xăng cùng vũ khí khác đồng thời lên kế hoạch tổ chức một loạt vụ tấn công liên hoàn trên quy mô lớn vào Kashgar, Hotan và Asku. Tuy nhiên âm mưu này bị chặn đứng, dưới sự truy kích của cảnh sát, các thành phần cốt cán trong nhóm này đã trốn đến Quảng Đông, Vân Nam sau đó vượt biên ra nước ngoài. Sau vụ tấn công đẫm máu ở Côn Minh hồi tháng 3 vừa qua, trên trang web của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan đã phát đi một đoạn video tuyên bố ủng hộ vụ khủng bố này. 

Nguyên nhân thực sự của bất ổn

Sáng 1-5, Tân Cương khai trương tuyến đường sắt liên tỉnh mới nhưng không có tiếng cổ vũ, reo hò khi chuyến tàu đầu tiên chuyển bánh. Thay vào đó, cảnh sát vũ trang xuất hiện dày đặc quanh nhà ga trong khi nhân viên vệ sinh lau dọn vết máu tại hiện trường vụ nổ bom vào tối hôm trước. Trong con mắt của một số người, nhà ga có biệt hiệu “ngôi sao phía bắc Tân Cương” này là minh chứng cho sự phát triển của kinh tế địa phương, kết nối Tân Cương với các tỉnh Cam Túc và Nội Mông lân cận cũng như tới khu vực Trung Á giàu tài nguyên, để từ đó vận chuyển hàng hóa vào châu Âu. Mặc dù vậy, đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, tuyến đường sắt mới này chỉ giúp họ nhanh chóng trở về quê nhà vì không tìm được việc làm tại các thành phố lớn ở Tân Cương. 

Đứng trước một trung tâm mua sắm ở Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, một thanh niên 28 tuổi người Duy Ngô Nhĩ cho biết, mặc dù có bằng kỹ sư, nhưng anh vẫn thất nghiệp trong hơn 1 năm qua. Khi anh nói chuyện, một đội cảnh sát vũ trang xuất hiện gần đó. “Chúng tôi ngày càng quen với việc cảnh sát vũ trang theo dõi cộng đồng chúng tôi. Nhưng điều đó lại không xảy ra đối với khu vực có đông người Hán sinh sống”, thanh niên này nói. Theo anh, các công ty do người Hán quản lý sẽ không tuyển dụng chỉ vì anh là người Duy Ngô Nhĩ. “Nếu vẫn không thể tìm được việc làm ở đây, tôi có kế hoạch về quê ở Kashgar vào tháng tới để giúp gia đình chăn nuôi gia súc”, anh này nói. 

Bất chấp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng ở mức hai con số trong nhiều năm nhưng nhiều người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ nói rằng họ ít được hưởng lợi. Cùng với đó là các cuộc di dân ồ ạt của người dân tộc Hán chiếm đa số tới đây. Một số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương tỏ ra bất mãn với sự bất bình đẳng trong sinh hoạt do bị phân biệt đối xử với người Hán. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí “The China Quarterly”  xuất bản tại Anh vào tháng 6-2012 của Tiến sĩ Tang Tiểu Vỹ thuộc Đại học Sheffield, do người Hán chiếm ưu thế về ngôn ngữ nên dễ có được cơ hội làm giàu tại vùng miền tây khi chính phủ rót vốn đầu tư. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ được trả lời điều tra cho biết, một số người Hán khi di dân khi đến Tân Cương không đồng xu dính túi, nhưng chỉ sau vài năm đã có thể mua được bất động sản ở đây, thậm chí tốc độ giàu có của họ còn khiến người khác phải ngạc nhiên. 

Chính phủ Trung Quốc và khu tự trị Tân Cương cáo buộc các phần tử Hồi giáo cực đoan và ly khai gây ra tình trạng bạo lực trong khu vực. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân thực sự của tình trạng bất ổn là các chính sách mạnh tay của Bắc Kinh, bao gồm hạn chế Hồi giáo, cũng như văn hóa và ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ. Mặc dù cực lực bác bỏ những cáo buộc này, Chính phủ Trung Quốc cũng phải bắt đầu nhìn nhận nguồn gốc kinh tế của một số diễn biến bất ổn, đặc biệt là tình trạng kém phát triển và thiếu cơ hội việc làm ở những khu vực đông người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 2-2014, truyền thông Trung Quốc đưa tin chính phủ nước này chi 61,66 tỷ NDT cho Tân Cương trong năm nay để bình ổn thông qua biện pháp cải thiện nhà ở và việc làm. Tuy nhiên trong khi chờ những chính sách này đạt kết quả, chính quyền Trung Quốc sẽ vẫn phải đau đầu đối phó với những vụ tấn công không thể nào đoán trước. 

Thêm một vụ tấn công

Khoảng 13h20 ngày 8-5, cảnh sát thành phố Asku, Tân Cương dừng kiểm tra một chiếc xe nghi vấn, tuy nhiên đối tượng ngồi trong xe đã bất ngờ dùng dao tấn công lại, sau đó còn ném thiết bị nổ về phía xe tuần tra. Cảnh sát đã bắn chết 1 đối tượng ngay tại chỗ và bắt giữ 1 tên. Tháng 2 năm nay cũng tại thành phố này đã xảy ra một vụ tấn công, phá hủy xe cảnh sát. 11 nghi phạm bị bắn chết và 1 tên bị bắt.