Giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, xác lập mức kỷ lục |
Tăng mạnh giá xăng dầu
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ chiều nay. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lên mức 28.959 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán mới lên tới 29.988 đồng/lít. Đây là giá bán xăng cao nhất trong lịch sử.
Dầu diezel 0,05S tăng lên 26.650đồng/lít, thêm 1.120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; Dầu hỏa cũng tăng 1.340 đồng/lít, giá mới ở mức 25.168 đồng/lít. Duy nhất có dầu mazut 180CST 3,5S giữ ổn định giá bán so với kỳ trước ở mức 21.560đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không chi quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng E5, RON95, dầu diesel (trừ dầu hỏa chi 300 đồng/lít, và dầu madut chi 33 đồng/kg). Đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5, xăng RON95, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít.
Như vậy, xăng dầu đã có 3 phiên liên tiếp tăng giá. Tại phiên điều chỉnh gần đây nhất ngày 4-5, xăng E5 RON 92 tăng 334 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 442 đồng/lít. Mỗi lít dầu diesel tăng 180 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Các yếu tố trên đã đẩy giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng cao so với tuần trước.
Từ đầu năm tới nay, trong tổng số 12 kỳ điều hành giá thì có đến 9 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm.
Nhiều chi phí tăng theo giá xăng dầu
Trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Chị Hoàng Minh Nguyệt (Nam Từ Liêm- Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần đổ xăng thấy xót ruột. Trước đây tôi đổ chỉ khoảng 80.000 đồng đã đầy bình xe Honda Lead, giờ đi hết đổ đầy là khoảng 140.000 đồng. Một tuần chỉ đi làm, đưa con đi học chính, học thêm đã dùng hết gần 200.000 đồng tiền xăng”.
Đáng lo hơn theo chị Minh Nguyệt là rất nhiều hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng chế biến sẵn: dầu ăn, mì ăn liền, bột canh, sữa… đều tăng mạnh do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng. Cụ thể, dầu ăn Simply, Naptune dao động từ 64.000- 67.000 đồng/lít; bột canh 5.000-5.500 đồng/gói; mì ăn liền tăng từ 500-1.000 đồng/gói tùy loại. Giá các loại sữa cũng liên tục tăng trong thời gian qua.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, chi phí vận chuyển (ship) hàng hóa cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, cùng 1 đơn hàng ăn từ khoảng cách dưới 1 km, chi phí ship trước đây là khoảng 17.000 đồng, hiện đã tăng lên khoảng 21.000-22.000 đồng tùy thời điểm. Phí ship các đơn hàng khác tối thiểu cũng từ 25.000 đồng/đơn, tăng 5.000 đồng/đơn so với trước đây.
Do đó, nhiều người đang có xu hướng chuyển sang đi mua đồ trực tiếp thay vì đặt hàng online để vừa khỏe người, vừa đỡ phí vận chuyển.
Không phải tính toán chi phí sinh hoạt trong gia đình nhưng anh Nguyễn Văn Đoàn (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cho hay: “Chắc sắp tới tôi chuyển sang đi xe buýt đi làm vì công việc văn phòng cố định. Nhà từ Hoàn Kiếm đi làm ở Hà Đông, mỗi tháng tiền đổ xăng cũng tăng gấp đôi rồi, chưa kể chi tiêu khác”.
Trong khi đó, nhiều người lại đang cân nhắc lựa chọn xe điện để mua sắm vì sự an toàn, thân thiện với môi trường và chi phí có thể rẻ hơn.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Ở tầm vĩ mô, giá xăng dầu tăng cũng gây ảnh hưởng tới lạm phát.