
Giá xăng tăng mạnh khiến người tiêu dùng bất ngờ
Buộc phải tăng
Đây là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên của năm 2012. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thế giới. Nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 2-2012 với giá xăng dầu thế giới bình quân làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 10-10-2011, xăng tăng 6,97%; dầu diezel 9,68%; dầu hỏa tăng 8,56%; mazut tăng 12,79% và dầu thô WTI tăng 21,73%. Đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2-2012 và đầu tháng 3 giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng gần đây.
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ (ngày 6-3), bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nếu sau khi sử dụng công cụ thuế và Quỹ bình ổn giá mà giá xăng dầu cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành thì sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu ở mức phù hợp.
Giải thích cho việc tăng giá xăng dầu lần này, Bộ Tài chính cho biết, do từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Đến nay giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính còn cho rằng nếu không tăng giá kịp thời thì chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.
Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết, cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu.
“Thật sự bất ngờ!”
Theo ông Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính thì xăng dầu là ngành có tác động lớn tới nền kinh tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Do đó, cơ quan quản lý cần có những cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra quyết định tăng giá. Trước diễn biến giá của tình hình xăng, dầu trên thế giới tăng cao do diễn biến phức tạp về tình hình của Trung Đông, thì việc tăng giá cũng có thể nói là “nước đi cuối cùng” mà Bộ Tài chính buộc phải thực hiện.
TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, giá xăng tăng với mức cao thật sự bất ngờ. Ông cho rằng, mức tăng 2.100 đồng là mức tăng cao, cách đây 2 ngày, nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ, mức tăng chỉ có thể là 500 đồng cùng lắm là 1.000 đồng/lít.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ trong tháng 3 mà hai mặt hàng thiết yếu là gas và xăng dầu đã có những bước tăng đáng kể thì chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Ngoài việc tác động một cách cơ học thì giá cả các mặt hàng này tăng cũng sẽ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý người tiêu dùng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ là cơ hội để nhiều mặt hàng, dịch vụ “té nước theo mưa”. Người tiêu dùng mong mỏi các cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời việc thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu trong sản xuất và tiêu dùng cũng cần phải thắt chặt hơn nữa.