Giá xăng dầu “nhảy múa”, vận tải rập rình tăng

ANTĐ - Trong khi nhu cầu đi lại những ngày cuối năm thường khiến người dân lo lắng về tình trạng tăng giá vé thì việc tăng giá xăng dầu từ 580-650 đồng/lít như một lý do khiến nguy cơ tăng giá cước vận tải càng hiện hữu.

Xăng dầu tăng giá gây áp lực lên việc tăng giá cước vận tải

Áp lực vì phụ thuộc

Theo báo cáo gần đây của Petrolimex, 9 tháng đầu năm 2013, tập đoàn này lãi hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó lãi từ xăng dầu hơn 700 tỷ đồng. Và ngày 18-12 vừa qua, đúng thời điểm cuối năm, giáp Tết, xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng. Trong khi đó, một năm qua, kinh tế khó khăn cộng với đầu vào tăng, không ít doanh nghiệp (DN) vận tải đã phải ngừng hoạt động, bán cổ phần hoặc sáp nhập vì thua lỗ. 

Phó Tổng giám đốc Cty TNHH vận tải Hoàng Long, ông Vũ Đức Hoàng đánh giá, việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm giáp Tết gây áp lực rất lớn lên các DN vận tải. “Mặc dù DN chưa có lộ trình tăng giá cước trong đợt này, song trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cùng với việc điều chỉnh giá xăng dầu, DN sẽ xem xét đăng ký tăng giá vé. Tuy nhiên mức tăng cũng như lộ trình tăng trên những cung đường nào, công ty sẽ tính toán sao cho hợp lý”, ông Hoàng cho biết. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các DN vận tải đã quá quen với việc xăng dầu “bỗng nhiên tăng giá” và mức tăng luôn cao hơn mức giảm, song vận tải là một ngành phụ thuộc lớn vào xăng dầu, mỗi lần xăng dầu tăng giá là thêm một lần khó khăn. Thời gian qua, vận tải chịu nhiều áp lực thua lỗ, một số DN đã phải giải thể, một số thì bán lại cổ phần, sáp nhập, bỏ tuyến, bớt chuyến để tồn tại. Xăng dầu tăng giá liên tục khiến giá cước vận tải theo không kịp, không ít doanh nghiệp phải bỏ cuộc. “Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này chắc chắn sẽ tác động đến giá thành vận tải. Đây là thời điểm buộc các DN chưa tăng giá cước phải điều chỉnh để tồn tại”. Theo ông Bùi Danh Liên, trong trường hợp bắt buộc, DN vận tải mới tính đến việc tăng giá.

Đến ngày 19-12, bến xe Mỹ Đình đã nhận được đăng ký tăng giá vé của 7 doanh nghiệp, với mức tăng từ 5-13%. “Bến Mỹ Đình đã thông báo tới các đơn vị vận tải, doanh nghiệp nào tăng giá phải đăng ký trước ngày 14-1-2014, sau ngày này, doanh nghiệp nào không đăng ký phải giữ nguyên giá cước”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay. Được biết, bến Mỹ Đình phần lớn là xe chạy tuyến ngắn, lượng xe rất dồi dào, vì vậy có thể tăng cường xe, chuyến nhanh nếu xảy ra trường hợp ùn ứ hành khách. 

Khó tránh giá cao

Mặc dù mới có 7 đơn vị đăng ký tăng giá cước với biên độ không lớn, song ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, thời hạn đăng ký tăng giá vé vẫn còn khá dài, có thể sau đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vừa rồi, các DN vận tải sẽ cân nhắc tăng giá cước. Để tránh tình trạng DN không đăng ký tăng giá vé nhưng lại thu cao hơn, bến xe Mỹ Đình cùng các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, nếu phát hiện DN nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. 

Mặc dù các DN vận tải có thể không đăng ký tăng giá cước trong dịp Tết này để tăng sự cạnh tranh, nhưng tình trạng bắt khách dọc đường, thu giá vé cao là khó tránh khỏi. Theo ông Bùi Danh Liên, việc làm này của các lái xe, DN là vi phạm pháp luật, song cũng rất khó quản lý. Vì vậy, bản thân người dân đi lại phải tự có trách nhiệm, nên vào bến mua vé vừa mua được đúng giá, vừa có chỗ ngồi. Còn DN nào mà không đăng ký tăng giá vé nhưng lại thu cao hơn, nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm, thậm chí rút Giấy phép kinh doanh. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhận xét: “Khách hàng vào bến mua vé, được mua đúng giá, được đảm bảo quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp. Còn, bắt xe khách dọc đường có thể “bắt” phải những chuyến xe “dù”, thậm chí bị chèn ép giá, nhồi nhét chỗ ngồi là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn khuyến cáo.