Giá vé hàng không ‘đứng’ ở mức cao, đường sắt ‘chớp’ cơ hội chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vé máy bay nội địa cả năm 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 luôn “đứng” ở mức cao, dường như một mặt bằng giá vé máy bay mới đã được thiết lập khiến người tiêu dùng lo ngại. Trong khi đó, đường sắt từ năm 2023 đã “chớp” cơ hội chuyển mình, từ lỗ liên tiếp đã báo lãi với lượng khách tăng vọt.

Vé máy bay “hạ nhiệt” nhưng vẫn cao

Từ đầu tháng 3 đến nay, giá vé máy bay nội địa đã hạ nhiệt khá mạnh so với tháng 2 và tháng 1-2024. Dù vậy, theo nhiều đại lý bán vé máy bay, mức giá này vẫn cao vì hiện đang là mùa thấp điểm của ngành hàng không. Theo ghi nhận trên hệ thống bán vé của 5 hãng bay nội địa trong giai đoạn tháng 3 đến giữa tháng 4-2024, giá vé đang giảm, có chặng giảm tới 30-50% so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Điều này khá bất ngờ với nhiều khách hàng. Cuối tháng 2-2024, nhiều chặng bay nội địa dịp sau Tết giá vé của các hãng vẫn “neo” ở mức cao, một số chặng khan hiếm vé.

Hàng không nội địa đang thiết lập mặt bằng giá mới

Hàng không nội địa đang thiết lập mặt bằng giá mới

Khảo sát giá vé chặng Hà Nội - TP.HCM, Hải Phòng, Vinh, Nghệ An đi, đến TP.HCM từ tháng 3 đến giữa tháng 4-2024 đã giảm mạnh so với dịp Tết, trung bình còn 2,5 - 4,2 triệu đồng/vé khứ hồi (đã bao gồm thuế phí), trong khi dịp Tết lên đến 7 triệu đồng/vé khứ hồi. Chặng từ miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Chu Lai đi, đến TP.HCM giá vé còn 2,5 - 3,6 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi dịp Tết lên đến 4,5 - 7 triệu đồng.

Ở thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines, Vietjet đang duy trì tần suất chuyến bay nội địa, khung giờ bay đa dạng hơn các hãng khác. Với điểm đến du lịch, giá vé đang giảm đáng kể như Hà Nội - Đà Lạt, Nha Trang hoặc TP.HCM - Phú Quốc, Nha Trang. Trung bình giá vé khứ hồi đang mở là 2,4 - 3,7 triệu đồng.

Dù vậy, các đại lý bán vé máy bay cũng như hiện giá vé của các hãng mở bán vào dịp cao điểm hè cho thấy, giá vé máy bay đã tăng mạnh từ tháng 6 đối với các đường bay kết nối du lịch biển như Quy Nhơn, Phú Quốc… Đáng nói, dù đặt vé máy bay từ bây giờ nhưng giá vé đã khá cao. Cụ thể như, nếu muốn đến Quy Nhơn vào dịp nghỉ lễ 30-4 tới đây giá vé khứ hồi là 5 triệu đồng với giờ bay rất xấu.

Chặng Hà Nội - Quy Nhơn là một trong những chặng có mức tăng cao nhất trong số các chặng du lịch chính. Giá vé máy bay khứ hồi được khảo sát giai đoạn từ ngày 27-4 đến 30-4 có giá 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 đồng so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm. Với chặng Hà Nội đi Đà Nẵng giai đoạn 27 đến 30-4, mức giá tốt nhất hiện là 4,8 triệu đồng khứ hồi, cao gấp 1,6 lần so với một tuần sau đó và 1,4 lần so với một tháng trước. Vào ngày 22-4 năm ngoái, vé chặng này giai đoạn từ ngày 28-4 đến 1-5 có giá 3,8 triệu đồng.

Trong khi đó, chặng Hà Nội đi Phú Quốc giai đoạn từ ngày 27 đến 30-4 có giá khoảng 5 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với một tháng trước và một tuần sau kỳ nghỉ lễ. Nếu bay giờ đẹp, giá vé máy bay khứ hồi chặng này khoảng từ 7,2 đến 8,6 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Nha Trang có giá 4,7 triệu đồng, cao hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước và 1 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm; giờ đẹp giá khoảng 7,6 triệu đồng.

Các chặng khởi hành từ TP.HCM giai đoạn từ ngày 30-4 đến 3-5, khảo sát của phóng viên cho thấy giá vé thấp nhất đi Phú Quốc là 3,8 triệu đồng và Nha Trang là 4,6 triệu đồng, đều cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước và một tuần sau đó. Trong khi đó, chặng TP.HCM đi Hà Nội kết nối các điểm du lịch phía Bắc có giá khoảng 4,3 triệu đồng khứ hồi - cao hơn giá trung bình chặng này ngày thường khoảng 1 triệu đồng.

Lượng hành khách đi tàu hỏa tăng mạnh từ năm 2023 đến nay

Lượng hành khách đi tàu hỏa tăng mạnh từ năm 2023 đến nay

Biến động tàu bay tác động đến giá vé

Từ ngày 1-3 vừa qua, giá trần vé máy bay nội địa đã được điều chỉnh tăng theo Thông tư mới của Bộ Giao thông - Vận tải. Dù các hãng hàng không đều lên tiếng việc điều chỉnh giá trần không làm tăng giá vé máy bay nội địa vì các hãng mở bán vé gồm nhiều dải giá khác nhau, từ thấp đến cao. Việc tăng trần giá vé máy bay sẽ giúp hành khách có nhiều cơ hội tiếp cận với các dải giá vé phù hợp, nhưng hành khách đều nghi ngờ về khả năng này.

Không chỉ người tiêu dùng mà nhiều người làm trong ngành hàng không và du lịch vẫn lo ngại giá vé máy bay sẽ có nhịp điều chỉnh ngắn hạn, xu hướng giá vé tăng sẽ trở lại nhanh chóng, thậm chí ngay mùa thấp điểm. Nhận định này dựa trên biến động số lượng máy bay đang khai thác đang sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines, Vietjet tạm dừng tổng cộng hàng chục máy bay Airbus A321 để sửa động cơ. Trong khi đó, hãng Bamboo Airways hiện vẫn khai thác 8 tàu bay và chưa có kế hoạch tăng thêm trong ngắn hạn. Vietravel Airlines hiện cũng vẫn đang khai thác 3 tàu bay và chưa tăng thêm. Đáng nói, từ ngày 1-4 tới đây, Bamboo Airways sẽ dừng một loạt các đường bay lẻ, điều này cũng là nguyên nhân gián tiếp có thể khiến giá vé máy bay… khó hạ.

Trước biến động trên, Cục Hàng không Việt Nam đã có yêu cầu các Hãng hàng không Việt Nam tập trung rà soát các kế hoạch, chính sách liên quan, tổ chức thực hiện các biện pháp thích ứng với tình hình thực tế do đội máy bay của các hãng có biến động. Theo Cục Hàng không, có 2 lý do chính dẫn đến biến động đội tàu bay gồm: Thứ nhất, từ tháng 9-2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã thông báo phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW 1100 để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Ước tính có thể ảnh hưởng đến 600 - 700 động cơ PW 1100 đang khai thác trên các đội bay trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số máy bay Airbus A321 NEO do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng khai thác máy bay bắt đầu từ tháng 1-2024). Biến động thứ hai là Bamboo Airways cũng dừng khai thác đội máy bay Embraer E190 (3 chiếc). Các đường bay của Bamboo Airways sử dụng loại máy bay này phải dừng khai thác gồm: Hà Nội với Huế/ Đồng Hới/Côn Đảo và TP.HCM với Đồng Hới/Côn Đảo để thực hiện tái cơ cấu. Đối với đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo, Bamboo Airways sẽ dừng khai thác từ ngày 1-4-2024.

Cục Hàng không Việt Nam nhận định các nguyên nhân nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025.

Khách đi đường sắt tăng vọt

Trong khi hàng không đang dần thiết lập mặt bằng giá mới thì đường sắt đã nhanh chóng “chớp” thời cơ chuyển mình với nhiều hình thức khuyến mại, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo giờ chạy tàu… Và, kết thúc năm tài chính 2023, đường sắt đã bất ngờ báo lãi lớn sau nhiều năm lỗ liên tiếp.

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội thông tin, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng hành khách đi tàu đạt 600.149 hành khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tuyến thu hút đông lượng khách như Hà Nội - Lào Cai lượng hành khách tăng trên 20% so với cùng kỳ; Hà Nội - Hải Phòng lượng hành khách tăng 8% so với cùng kỳ. Đôi tàu chất lượng cao SE19/20 năm 2023 chạy tuyến thống nhất từ Hà Nội - Sài Gòn, nhưng năm 2024 đôi tàu này được rút ra để chạy thường xuyên trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, doanh thu đôi tàu SE19/20 trong đợt Tết 2024 đạt bình quân 499 triệu đồng/vòng quay. Hà Nội - Vinh lượng hành khách tăng trên 9% so với cùng kỳ. Sắp tới đây, từ ngày 26-3, ngành đường sắt đưa vào vận hành đoàn tàu di sản Huế - Đà Nẵng. Theo đó, sẽ dự kiến chạy 2 đôi tàu HĐ1/2, HĐ3/4 và đón, trả khách tại 3 ga Huế - Lăng Cô - Đà Nẵng.

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, để đạt được kết quả kinh doanh như trên, ngành đường sắt đã đưa ra nhiều giải pháp về vận dụng toa xe, giá vé linh hoạt… Cụ thể như, nâng cao chất lượng ăn uống, phục vụ, vệ sinh trên các đoàn tàu. Đổi mới, đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu dưới ga cả về hình thức, tác phong, nghiệp vụ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khách đi tàu như bán vé qua website, bằng các “app” (ứng dụng) bán vé, qua ki-ốt điện tử; bán suất ăn trên tàu, đặc sản vùng miền cho khách trên tàu qua “app”; thường trực đường dây nóng 24/24h tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách để giải quyết và phản hồi ngay với hành khách để tạo sự tin tưởng, hài lòng. Đặc biệt, tỷ lệ tàu khách đi đến đúng giờ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong thời gian tới, ngành đường sắt sẽ tiếp tục phát huy kết quả này, trong thời gian tới (đặc biệt trong dịp hè năm 2024), công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đã đạt hiệu quả tốt trong thời gian vừa qua. Đồng thời triển khai một số giải pháp như đầu tư nâng cấp chất lượng toa xe về trang thiết bị nội thất, chăn ga gối đệm, điều hòa, thiết bị vệ sinh…; tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng triển khai chương trình Foodtour Hải Phòng, Check-in Hải Phòng, Citytour Hải Phòng, triển khai bản đồ số du lịch Hải Phòng, giúp công tác cập nhật thông tin và lan truyền trên mạng nhanh, thuận lợi cho hành khách truy cập; đưa wifi và các tiện ích giải trí lên các đoàn tàu.

Kết hợp chặt chẽ với các đơn vị du lịch để tổ chức chạy thêm đôi tàu khách trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Tổ chức chạy các đoàn tàu dành riêng từ Hà Nội đến TP.HCM (đêm đi, ngày nghỉ) có dừng nghỉ tại một số ga để khách du lịch kết hợp du lịch và di chuyển; đưa sản phẩm phục vụ khách du lịch như toa xe cộng đồng, đoàn tàu charter…. vào khai thác. “Với các giải pháp như trên chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2024 đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao là tăng trưởng 7% doanh thu vận tải hành khách” - đại diện Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Nội khẳng định.