Giá vàng tăng mạnh, có lúc đã vượt kháng cự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng thế giới phiên giao dịch ngày 11/4 đã có thời điểm vượt ngưỡng kháng cự 1.965 USD/ounce. Vàng trong nước cũng tăng cao trong phiên giao dịch sáng nay.

Sau 2 phiên nghỉ lễ, giá vàng mở cửa trở lại với mức tăng khá tốt. Vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mức 69,00 - 69,65 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 69,00 - 69,67 triệu đồng/ lượng tại Hà Nội và các tỉnh thành khác.

So với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, thương hiệu vàng SJC đã được doanh nghiệp này tăng 350 nghìn đồng/ lượng chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/ lượng chiều bán ra.

Trên thị trường, giá mua vào vàng SJC tại các doanh nghiệp đang dao động trong khoảng 68,70 - 69,00 triệu đồng/ lượng; giá bán ra dao động trong khoảng 69,50 - 69,65 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng trong nước tăng khi trên thị trường thế giới, kim loại quý này đã có 2 phiên tăng liên tiếp kể từ cuối tuần trước. Trong phiên giao dịch đầu tuần, vàng đã có mức tăng vọt ấn tượng ngay đầu phiên, chạm ngưỡng 1.970 USD/ ounce. Tuy nhiên, sau đó, nó đã điều chỉnh trở lại và chốt phiên ở mức trên 1.957 USD/ ounce, tăng 7,4 USD/ ounce trong cả phiên.

Giá vàng đang được hưởng lợi từ mức lạm phát tăng và xung đột tại Ukraine

Giá vàng đang được hưởng lợi từ mức lạm phát tăng và xung đột tại Ukraine

Như vậy, giá vàng đã có lúc vượt ngưỡng kháng cự 1.965 USD, mức giá mà giới chuyên gia tin rằng nó có thể tăng cao lên con số 2.000 USD. Dù vậy, sau đó kim loại quý đã chịu áp lực trước đà tăng của thị trường chứng khoán, trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như động thái chốt lời của giới đầu tư, và không giữ được mức giá cao này.

Theo các chuyên gia, giá vàng đã bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính, lạm phát, xung đột ở Ukraine, và cuối cùng là các tuyên bố và hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong đó, lạm phát xoắn ốc do tác động kép giữa các chương trình phục hồi kinh tế “hậu” Covid và xung đột tại Ukraine được coi là những yếu tố quyết định lớn nhất đến thị trường tài chính, bao gồm cả những quyết định của FED.

Dự báo về giá vàng thời gian tới, Ngân hàng Goldman Sachs của Hoa Kỳ vẫn cho kim quý này có thể vượt 2.500 trong năm nay. Các nhà kinh tế của ngân hàng này cho rằng, sự gia tăng này chủ yếu là do xung đột Nga - Ukraine sẽ vẫn tiếp tục, và sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, cùng với sự gia tăng giá nguyên liệu và sản phẩm sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Dù vậy, vẫn có những “luồng gió ngược” khi nhận định về triển vọng thị trường kim loại quý. Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Chris Vecchio, nhà phân tích thị trường cấp cao tại DailyFX.com, lưu ý rằng xung đột Nga - Ukraine đã khiến thị trường tài chính tăng trưởng, tạo ra sự biến động và không chắc chắn. Đồng thời, chiến tranh đã tác động sâu hơn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá hàng hóa và lạm phát tăng cao hơn. Đây là những lý do chính đẩy giá vàng lên cao.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng trừ khi cuộc chiến leo thang sang cả châu Âu thì vàng mới có thể vượt đỉnh, còn nếu nó vẫn giới hạn ở biên giới Ukraine thì “vàng đã đạt mức cao nhất trong năm nay”.

Do đó, ông dự đoán giá vàng có thể có hai con đường phía trước: đi ngang khi xung đột Nga - Ukraine tiếp tục, giữ kỳ vọng lạm phát tăng cao khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất…; hoặc giảm khi xung đột lắng dịu.