Giá vàng SJC lên 89,5 triệu đồng/lượng, đấu thầu vàng không cản được đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC không hề giảm mà tiếp tục tăng “nóng”. TS, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc đấu thầu vàng vừa qua có thể nói không giúp hạ nhiệt mà còn kích hoạt tâm lý tăng giá.

Giá vàng SJC tăng phi mã, bỏ xa thế giới

Tính đến 15h45 chiều, giá vàng SJC đã tăng tới 2 triệu đồng/lượng, lên mức chưa từng có trước đó: 87,20 – 89,50 triệu đồng/lượng (niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC).

Ở mức giá này, chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng quốc tế đang lên tới 17,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với thời điểm trước đấu thầu (trên dưới 10 triệu đồng/lượng).

Việc giá vàng SJC tăng không ngừng nghỉ khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này, thu hẹp chênh lệch với vàng quốc tế như mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.

Bày tỏ quan điểm về vấn để này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, mà thậm chí còn kích hoạt tâm lý tăng giá.

Theo ông Nghĩa, giá vàng trong nước những ngày qua vẫn tăng, khoảng cách với vàng quốc tế tiếp tục giãn ra, điều đó có nghĩa không có bất cứ thay đổi nào về nguồn cung.

Thứ hai là thậm chí động thái này còn có tác động về tâm lý, người ta lo ngại các cuộc đấu thầu không thành công, theo đó đã “kích hoạt” tâm lý tăng giá vàng.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức giá tham chiếu rất cao, tương đương hoặc thậm chí cao hơn giá doanh nghiệp mua vào trên thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng như vậy là không phù hợp.

Theo vị chuyên gia, về nguyên tắc, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng, không có chuyện người bán quyết định cả giá cả số lượng. Tuy nhiên, với đấu thầu vàng, NHNN vừa quyết định về giá lại vừa quyết định về số lượng là không hợp lý.

TS Lê Xuân Nghĩa

TS Lê Xuân Nghĩa

Hơn nữa, theo ông mục đích đấu thầu là giảm giá vàng, thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ giá thị trường quốc tế nhân với tỷ giá ra 72 triệu đồng/lượng, thì phải đấu thầu 72 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp đấu thầu họ kỳ vọng bán được 73 triệu đồng/lượng chẳng hạn. Như vậy mới có tác dụng giảm giá vàng.

“Còn nếu đấu thầu 86 triệu đồng/lượng thì ai người ta mua. Người đi đấu thầu để tăng cung, mà tăng cung tức là giá sẽ giảm. Như vậy, đấu thầu giá cao như hiện nay thì doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm” – vị chuyên gia phân tích.

Bỏ độc quyền, không lo ảnh hưởng dự trữ ngoại tệ

Vị chuyên gia cho rằng, hệ quả giá vàng tăng khiến người dân không yên tâm gửi tiền tiết kiệm, người ta ôm tiền đi mua vàng, như vậy một lượng tiền lớn sẽ chảy vào vàng.

“Mà vàng tăng một cách vô lý, nghĩa là chả có gì làm nó tăng cả, ngoài việc độc quyền, không cho nhập khẩu về. Để giảm giá vàng, theo tôi không có cách nào khác, phải trả lại cho thị trường, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu” – ông Nghĩa nói.

“Đấu thầu không phải biện pháp tăng nguồn cung, mà quan trọng nhất là cho phép các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu và xuất khẩu vàng, kiểm soát bằng thuế. Ngay lập tức trong 1 tuần lễ giá vàng giảm ngang bằng thế giới ngay, không cần lâu. Vì các doanh nghiệp nhập khẩu vàng rất đơn giản, từ Singapore, Thái Lan… quá nhanh” – vị chuyên gia cho hay.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, các cơ quan quản lý đã suy xét đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa làm, có lẽ là do còn lo sợ việc cho xuất nhập khẩu tự do như vậy thì sẽ quản lý như thế nào.

“Tôi nghĩ công cụ quản lý quan trọng nhất là thuế, đó là sức mạnh của Nhà nước. Muốn không khuyến khích thì đánh thuế cao. Muốn chống buôn lậu thì đánh thuế thấp.

Còn để như hiện nay thì đương nhiên là buôn lậu phát triển rồi, vì chênh lệch như thế, trong khi đó, kiểm soát biên giới của mình rất khó khăn, cả đường biển, cả đường bộ, đường hàng không…” – TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu lậu vàng thế giới khoảng 50 tấn, tức khoảng 3 tỷ USD. Con số trên không quá lớn, nhưng buôn lậu thì Chính phủ thất thu thuế, trong khi về ngoại tệ thì buôn lậu cũng mất ngoại tệ.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu dành 3 tỷ USD để nhập khẩu vàng thì không đáng là bao so với nhập khẩu xăng dầu, các nguyên liệu khác. Hơn nữa, nhập khẩu vàng thì doanh nghiệp có thể chế tác để xuất khẩu được.

“Thâm hụt thương mại về vàng chưa có con số chính xác là bao nhiêu, nhưng nếu chúng ta mở cửa cho nhập khẩu - xuất khẩu vàng bình thường thì thậm chí có thể tự bản thân vàng cũng đã cân bằng được ngoại tệ của nó” – ông nói.

Hoạt động đấu thầu vàng miếng thời gian chưa giúp hạ nhiệt giá vàng

Hoạt động đấu thầu vàng miếng thời gian chưa giúp hạ nhiệt giá vàng

Vị chuyên gia cũng cho rằng cần sớm sửa Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng SJC, giao cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng có điều kiện người ta làm.

Thứ hai là trả lại nhãn SJC cho SJC, thì lập tức chênh lệch giữa thương hiệu vàng này với các loại vàng khác sẽ thu hẹp, vì khi đó nó cũng chỉ là một nhãn hiệu vàng bình thường. Còn bây giờ, sở dĩ có chênh lệch vì người ta nghĩ SJC là thương hiệu vàng độc quyền của NHNN và chỉ có NHNN mới được nhập khẩu vàng.

Không lo vàng hóa, vì vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng

Về lo ngại vàng hóa, vị chuyên gia khẳng định không đáng lo. Theo ông, thời kỳ trước có vàng hóa là do các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi bằng vàng, cho vay bằng vàng. Bất kỳ cái gì muốn “hóa” thì phải vào ngân hàng mới “hóa” được. Đô la hóa cũng phải qua ngân hàng mới hóa được… Nếu nằm ngoài ngân hàng thì không chuyển hóa được.

“Vì sao vậy, vì 1 đồng tiền vào hệ thống ngân hàng thì nó sẽ chuyển hóa thành rất nhiều đồng tiền. Ví dụ tôi gửi 1 tỷ vào ngân hàng, xong ngân hàng lại cho người khác vay, người khác lại trả cho người khác… đồng tiền đó tiếp tục chuyển hóa thành hàng chục đồng tiền, bội số của tiền đó tăng lên.

Mà bội số đó phụ thuộc vào tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10% thì bội số là khoảng gần 9 lần. Nếu dự trữ bắt buộc thấp như của Việt Nam hiện nay là 3% thôi thì bội số của tiền có thể lên tới 30 lần. Ngày xưa vàng cũng tương tự như vậy.

Chưa kể các ngân hàng còn bỏ kinh doanh tín dụng đi kinh doanh vàng, huy động một khối lượng vàng rất lớn để đi buôn bán vàng. Vì lý do đó nên Nhà nước phải độc quyền vàng, để trả vàng về thị trường bình thường, loại bỏ nó ra khỏi các ngân hàng thương mại, chấm dứt vàng hóa” – chuyên gia phân tích.

Nhắc lại đợt đấu thầu vàng cách đây gần 11 năm, TS Lê Xuân Nghĩa nói, thời điểm đó, khi cấm các ngân hàng thương mại gửi và cho vay bằng vàng, đã xảy ra việc một số ngân hàng thương mại “ôm” nhiều vàng mà không xử lý được; hoặc nhận tiền gửi bằng vàng bán đi rồi nhưng giờ không có trả.

Lúc đó, buộc ngân hàng trung ương phải đấu thầu mấy chục tấn để tất toán lượng vàng mà các ngân hàng thương mại đang còn nợ, chấm dứt hoàn toàn hiện tượng vàng hóa.

“Tôi nghĩ nếu có thông tin không đầy đủ như vậy thì sẽ không lo bỏ độc quyền dẫn đến tình trạng vàng hóa như vậy. Nhưng bối cảnh hiện nay đã khác, các ngân hàng không ai cho gửi bằng vàng, cho vay bằng vàng nữa” – ông nói.