Giá vàng lấy lại đà tăng khi căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau phiên giảm sâu, giá vàng đã lấy lại đà tăng khi giới đầu tư nhận ra căng thẳng Nga - Ukraine không hề được xoa dịu như những tín hiệu phát đi trước đó.

Sau 2 phiên giảm mạnh, tín hiệu tích cực đã quay trở lại với thị trường vàng. Giá vàng trong nước đã lấy lại phần nào mức giảm trước đó.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đang giao dịch chiều mua vào mức 68,45 triệu đồng/lượng; chiều bán ra 70,25 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 70,47 triệu đồng/lượng tại Hà Nội. So với chốt phiên hôm qua, giá thương hiệu vàng SJC đã tăng 650 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán.

Tại các doanh nghiệp khác trên thị trường, giá vàng chiều mua vào đang dao động trong khoảng 68,00 - 68,20 triệu đồng/lượng; chiều bán ra trong khoảng 70,00 - 70,30 triệu đồng/lượng; tăng từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi lượng.

Trên thế giới, thị trường vàng những ngày qua cũng biến động dữ dội. Trong phiên giao dịch ngày 9/3, thị trường vàng "lao dốc không phanh" khi Tổng thống Ukraine - Zielinski cho biết ông sẵn sàng thỏa hiệp để giải quyết hành động quân sự ngày càng leo thang của Nga. Hợp đồng vàng giao sau mở cửa ở mức 2.060 USD và đóng cửa ở mức khoảng 1.986 USD/ounce, dựa trên khả năng một giải pháp ngoại giao có thể xuất hiện dẫn đến việc Nga rút quân khỏi Ukraine.

Giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi căng thẳng Nga - Ukraine

Giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi căng thẳng Nga - Ukraine

Tuy nhiên, sự lạc quan đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các cuộc đàm phán được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua lại một lần nữa rơi vào bế tắc. Nga kiên định với các yêu cầu của mình và các cuộc đàm phán không mang lại tiến triển thực sự nào.

Trên thực tế, hành động quân sự của Nga ngày hôm qua đã leo thang khi tiến hành một cuộc không kích nhằm vào Bệnh viện Nhi đồng ở Mariupol - phía Nga cho biết không nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Diễn biến này một lần nữa dẫn đến tâm lý ưa thích tài sản trú ẩn an toàn, và vàng và USD đồng loạt tăng. Giá vàng nhiều lần vượt 2.000 USD và chốt phiên trên 1.997 USD/ounce.

Ngoài ra, số liệu CPI mà Mỹ sắp công bố dự kiến sẽ tăng cũng tác động tích cực lên kim loại quý. Các nhà phân tích được thăm dò bởi các tổ chức tin tức khác nhau đã đưa ra dự báo rằng mức lạm phát sẽ tăng từ 7,5% trong tháng Một lên 7,9% trong tháng Hai. Cả lạm phát gia tăng và cuộc chiến ở Ukraine nhìn chung đều là những động lực tiếp tục hỗ trợ rất nhiều cho giá vàng.

Chia sẻ về diễn biến giá vàng thời gian qua, Wagner, Biên tập viên của TheGoldForecast.com cho biết, trong khi những bất ổn do xung đột ở Đông Âu góp phần làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn, thì áp lực lạm phát tiềm ẩn vẫn là động lực chính của vàng. Lạm phát vẫn có xu hướng tăng lên trong suốt năm 2022, ngay cả trước khi xung đột xảy ra.

Bằng chứng về nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ được chứng minh bằng vàng và đô la Mỹ tăng song song trong suốt tháng Hai. Và động thái gần đây của vàng là rất “phi thường” - Wagner cho biết mới chỉ chứng kiến ​​những diễn biến kịch tính đó vài lần trong sự nghiệp của mình.

Lần đầu tiên xảy ra vào giữa năm 2011 khi vàng chạm mức 1.920 USD, vào thời điểm đó là mức cao kỷ lục. Lần thứ hai xảy ra vào tháng 8/2020 - khi vàng đạt mức cao kỷ lục mới là 2.088 USD.

Và lần này, điều mà ông chưa bao giờ thấy là mức độ biến động trong ngày. Trong ngày 25/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, phạm vi dao động của giá vàng lên đến 100 USD. Đó là một mức dao động lớn nhất trong một ngày.

Wagner nói, kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định trực tiếp đến giá vàng. Trong đó, ông dự báo rằng sẽ có một hiệp định đình chiến hoặc hòa bình, theo đó sẽ đưa vàng quay lại mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, áp lực lạm phát mới là động lực chính của vàng, kim loại quý này có thể quay trở lại mức trên 2.000 USD/ounce và hướng tới 2.100 USD vào cuối năm.