Không để xung đột vũ trang ở Ukraine leo thang nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột vũ trang tại Ukraine không chỉ là một “ngòi nổ” nguy hiểm trong lòng châu Âu mà đang leo thang thành cuộc khủng hoảng trên bình diện toàn cầu, trước hết là kinh tế - thương mại cũng như mối quan hệ bị xáo trộn, đổ vỡ giữa các quốc gia.

Đòn trừng phạt “lưỡng bại câu thương”

Những hệ lụy của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine không chỉ dừng ở biên giới hai quốc gia này hay châu Âu mà đang tác động sâu rộng tới cả thế giới, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đặc biệt là đối với thị trường nhiên liệu thế giới. Được xem như là huyết mạch của nền kinh tế thế giới, việc giá cả dầu mỏ và khí đốt khan hiếm, tăng phi mã đang tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cả thế giới chưa kịp gượng dậy, phục hồi do đại dịch Coivid-19.

Trong động thái mới nhất nhằm gia tăng đòn trừng phạt với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-3 tuyên bố cấm nhập nhiên liệu hóa thạch từ Nga bao gồm dầu mỏ để đáp trả chiến dịch quân sự của nước này nhằm vào Ukraine.

Ngừng bắn và chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine là đòi hỏi cấp bách lúc này

Ngừng bắn và chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine là đòi hỏi cấp bách lúc này

Đòn trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào dầu mỏ Nga đã lập tức đẩy giá dầu trên thị trường thế giới tiến sát đỉnh cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trên thị trường dầu thô, giá dầu WTI có lúc tăng lên hơn 128 USD một thùng, trong khi dầu Brent có thời điểm cũng tăng lên 132 USD/thùng - là những mức giá tiền sát mức đỉnh năm 2008.

Cho dù chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách hạ nhiệt giá dầu bằng cách tuyên bố mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để bình ổn giá xăng nhưng cũng không thể ngăn được giá dầu leo thang. Tính ra, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 30% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và Mỹ cùng phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ. Nga hiện là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, cung cấp 7-8 triệu thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày cho thị trường toàn cầu. Bản thân Mỹ trong năm 2021 cũng nhập khẩu khoảng 680.000 thùng dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế mỗi ngày từ Nga.

Đòn trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga vì thế cũng tác động tiêu cực trở lại ngay với thị trường nhiên liệu thiết yếu này ở nước Mỹ. Thông báo trừng phạt của Tổng thống Joe Biden đã đẩy giá xăng bán lẻ tại Mỹ tăng 10% so với chỉ một ngày trước đó, đưa giá xăng trung bình ở Mỹ lên mức kỷ lục 4,17 USD/gallon (một gallon bằng gần 3,8 lít). Lần giá xăng lập kỷ lục cao nhất trước đây tại Mỹ là vào năm 2009 khi giá xăng trung bình toàn quốc ở mức 4,1 USD/gallon.

Giá xăng tăng gây lo ngại về chi phí tăng của nhiều mặt hàng khác có thể giáng không nhẹ vào chuyện “cơm áo gạo tiền” thường nhật thiết thân của người dân Mỹ, nhất là vào thời điểm khá nhạy cảm đối với Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ của ông. Người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay, nên những tác động bất lợi từ giá xăng tăng có thể khiến Đảng Dân chủ đánh mất quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

Không chỉ có dầu mỏ, Nga còn là quốc gia xuất khẩu lương thực thực phẩm cùng nhiều loại nguyên liệu, khoáng sản quan trọng trên thế giới nên chưa tính tới tác động tiêu cực từ chính trị, các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây đã gây xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, làm khan hiếm và đẩy giá lên cao. Trong đó, giá lúa mì thị trường thế giới đã tăng gần 50% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, kéo theo đó là những đòn trừng phạt, trả đũa giữa phương Tây và Mátxcơva.

Cần cấp bách ngừng bắn, chấm dứt chiến sự

Giá nhiên liệu đầu vào thiết yếu tăng cao sát mức kỷ lục và dự báo còn có thể tăng cao hơn nữa, cùng với đó sự gia tăng giá của lương thực, nguyên liệu, vật tư sản xuất quan trọng sẽ đẩy lạm phát toàn cầu lên cao, tác động trực tiếp tới đời sống người dân. Đó cũng chính là mối quan tâm, lo ngại sâu sắc của thế giới đối với cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi những đòn trừng phạt Mátxcơva của Mỹ và phương Tây mang lại những hệ lụy tiêu cực cho cả thế giới.

Lợi ích quốc gia sát sườn luôn là nhân tố quyết định trong các mối quan hệ trên thế giới, nên việc đánh giá, định lượng tác động của cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine chi phối ứng xử, ứng phó của các nước. Châu Âu hiện phụ thuộc khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên vào Nga bất chấp nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo trong hai thập kỷ qua và tình trạng phụ thuộc càng tăng lên khi các quốc gia chuyển sang sử dụng khí đốt để loại bỏ than đá. Đức là nước đặc biệt dễ bị tổn thương vì đã đóng cửa gần như tất cả nhà máy điện hạt nhân và đặt mục tiêu loại bỏ than vào năm 2030.

Cắt đứt chuỗi cung ứng dầu mỏ, khí đốt từ Nga vì thế có thể gây nên một cơn địa chấn đối với năng lượng châu Âu. Thế nên, dễ hiểu vì sao mà các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu có thể cùng Washington áp đặt trừng phạt Nga với những lĩnh vực không sát sườn tới lợi ích của mình, song “ngãng ra” ngay trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Thậm chí, một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Hungary còn công khai phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London ngày 8-3, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ, dù Hungary chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng nước này phản đối các lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga bởi phần lớn dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu của Hungary là từ Nga và 90% các hộ gia đình Hungary sưởi ấm bằng khí đốt. Người đứng đầu Chính phủ Hungary nhấn mạnh, dù lên án nhưng “chúng tôi sẽ không để các gia đình Hungary phải gánh chịu cái giá của xung đột”.

Các nhà lãnh đạo Ả Rập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã từ chối cuộc gọi của Tổng thống Joe Biden để thảo luận về vấn đề giá dầu.

Các mối quan hệ đồng minh của Mỹ và phương Tây còn bị chi phối, tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine thì các mối quan hệ khác, nhất là khác biệt lợi ích với họ, sẽ thay đổi tới mức nào. Nga chắc chắn không ngồi yên chịu sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây mà sẽ tìm kiếm những mối quan hệ với những quốc gia cùng chia sẻ quan điểm và đặc biệt là lợi ích. Có thể thấy rõ việc Nga đang hướng tới các khu vực như Mỹ Latin, châu Phi, Trung Đông và nhất là châu Á.

Đã có những quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn tới một trật tự thế giới mới, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Hãng thông tấn Interfax của ngày 8-3 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Mátxcơva đã kêu gọi Washington quay lại nguyên tắc “chung sống hòa bình” như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cuộc khủng hoảng Ukraine càng leo thang vì thế khiến không chỉ các bên trực tiếp tham chiến mà cả thế giới cùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cả kinh tế - thương mại cũng như đổ vỡ các mối quan hệ, xáo trộn trật tự thế giới, qua đó mang lại những hệ lụy chưa thể lường hết vào lúc này với hòa bình và ổn định toàn cầu. Sớm ngừng bắn, chấm dứt chiến sự và đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine là đòi hỏi cấp bách, vì lợi ích của chính các bên tham chiến và vì lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển của cả thế giới.