Giá vàng lao dốc, mất mốc 2.000 USD/ounce

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, rời xa khỏi ngưỡng 2.000 USD/ounce trong bối cảnh các thị trường tài chính chờ đợi tin tức về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ.

Trong phiên giao dịch thứ Ba tại thị trường Mỹ (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm tới hơn 27 USD mỗi ounce, xuống vùng 1.989 USD/ounce.

Trong khi đó, thị trường trong nước phản ứng khá mờ nhạt với diễn biến này. Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ giảm 50 nghìn đồng mỗi lượng vào đầu giờ sáng, niêm yết tại 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng. Tại các doanh nghiệp khác, giá vàng cũng chỉ giảm khoảng 100 nghìn đồng mỗi lượng, về quanh vùng 66,456 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn có sự liên thông hơn một chút với vàng thế giới khi mỗi lượng vàng này sáng nay đã giảm khoảng 300 – 400 nghìn đồng/lượng, giao dịch quanh 56,20 – 57,20 triệu đồng/lượng.

Thời điểm này, thị trường kim loại quý đang dõi theo những diễn biến mới nhất về các cuộc đàm phán trần nợ của lưỡng đảng Hoa Kỳ.

Hôm 16/5, sau cuộc họp kéo dài 1 giờ với sự tham gia của 4 nhà lãnh đạo hàng đầu Quốc hội, Tổng thống Joe Biden và các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà vẫn chưa thể đạt được thoả thuận về trần nợ công do còn bất đồng nhiều vấn đề.

Song, các bên cho biết họ đã đạt được một số tiến bộ, bao gồm việc thông qua một thoả thuận biến các cuộc đàm phán đa phương thành các cuộc thảo luận trực tiếp giữa một đồng minh thân cận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và hai cố vấn Nhà Trắng, thay mặt ông Biden.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Ba tiếp tục cảnh báo về hậu quả “thảm khốc” nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ.

“Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế học, một vụ vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ tạo ra một thảm họa kinh tế và tài chính” - bà Yellen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh vốn 2023 của Cộng đồng Ngân hàng Độc lập Hoa Kỳ (ICBA).

"Việc vỡ nợ sẽ phá vỡ nền tảng xây dựng hệ thống tài chính của chúng ta. Rất có thể chúng ta sẽ thấy một số thị trường tài chính bị phá vỡ - với sự hoảng loạn trên toàn thế giới gây ra các cuộc gọi ký quỹ, rút ​​tiền và cháy hàng" – bà nói.

Bà cũng cảnh báo tình trạng vỡ nợ kéo dài không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng như cuộc Đại suy thoái – giống như mô phỏng của Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng.

“Theo mô phỏng, hơn 8 triệu người Mỹ mất việc làm. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể. Giá trị của thị trường chứng khoán bị giảm khoảng 45% – xóa sạch số năm nghỉ hưu và các khoản tiết kiệm khác của hộ gia đình” - bà mô tả.

Yellen vẫn coi ngày 1 tháng 6 là ngày Kho bạc có thể cạn kiệt tiền mặt. Bà cũng cảnh báo rằng Mỹ đã phải trả giá đắt nếu không nâng trần nợ công.

Trong khi đó, cuộc đàm phán lưỡng đảng Hoa Kỳ chưa có kết quả rõ rệt đã chưa đem đến một chất xúc tác đáng kể cho vàng. Vào thứ ba, suy thoái kinh tế của Trung Quốc đè nặng lên kỳ vọng nhu cầu đối với kim loại quý. Ngoài ra, chỉ số đô la Mỹ vững chắc hơn với dầu thô yếu hơn đã tạo thêm áp lực giảm giá đối với kim loại quý này.

Dù vậy, theo khảo sát Markets Live Pulse mới nhất của Bloomberg, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư đang chuyển sang mua vàng như một công cụ phòng ngừa khả năng vỡ nợ .

Vàng là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, với hơn một nửa số người được khảo sát chọn kim loại quý này để bảo vệ trước tình trạng khủng hoảng trần nợ. Tất cả các lựa chọn khác, bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, đều bị tụt lại phía sau.

Một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cũng tiết lộ rằng sự chấp thuận của người Mỹ đối với vàng như khoản đầu tư dài hạn tốt nhất, đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (từ 15% lên 26%).

Vàng đã vượt qua chứng khoán để trở thành khoản đầu tư được ưa thích thứ hai và tiến gần đến vị trí số một.