- Giá vàng trong nước vẫn “ngự” trên đỉnh bất chấp giá thế giới quay đầu giảm
- Giá vàng lại tăng nóng, sắp chạm 67,5 triệu đồng/lượng
Căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá dầu thô leo thang, giá các mặt hàng nông nghiệp, vận tải gia tăng; việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… khiến nguy cơ lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, nhất là khi những khó khăn do Covid-19 chưa được giải quyết.
Thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các kim loại quý và đô la Mỹ đã trở thành tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng đã tăng giá mạnh khi các nhà đầu tư buộc phải chuyển vốn của họ thành một tài sản trú ẩn an toàn. Vào cuối tháng 1/2022, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức chỉ xấp xỉ 1.780 và cho đến nay, hơn 1 tháng, kim loại quý đã tăng tới khoảng trên 150 USD.
![]() |
Giá vàng tăng mạnh kể từ đầu tháng 2 |
Đến cuối giờ giao dịch ngày 3/3 tại thị trường Mỹ, kim loại quý chốt phiên giao dịch tại 1.936,5 USD/ounce. Sang đến sáng nay, kim quý này tiếp tục tăng trên thị trường châu Á và đang giao dịch trên mức 1.941 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng liên tục thiết lập đỉnh cao mới. Trong phiên giao dịch hôm nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tính đến thời điểm này đã tăng thêm 150 nghìn đồng mỗi lượng vàng SJC. Theo đó, thương hiệu vàng này ghi dấu ấn kỷ lục mới tại 66,75 – 67,50 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 66,75 – 67,52 triệu đồng/lượng (Hà Nội).
Trên thị trường, các doanh nghiệp và ngân hàng cũng đang giao dịch giá mua vào vàng SJC quanh 66,60 triệu đồng/lượng; bán ra quanh 67,50 triệu đồng/lượng.
Dù dòng tiền đang chảy mạnh mẽ vào vàng, song các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào sự bùng nổ của kim loại quý này. Bởi việc Fed có khả năng đẩy mạnh việc tăng lãi suất thời gian tới khiến giá USD tăng cao, qua đó làm gia tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng.
Do đó, các yếu tố địa chính trị có thể giúp giá vàng tăng trong ngắn và trung hạn, song khó xảy ra cuộc "bùng nổ" về giá trong năm 2022.
Thống kê lịch sử cũng cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%.
Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.
Đối với giá vàng trong nước, hiện đang cao hơn rất nhiều so với vàng thế giới (quanh mức 14 triệu đồng/lượng), chênh lệch mua vào – bán ra ở mức cao. Do đó việc nắm giữ vàng không phải không có cơ hội sinh lời, nhưng sẽ rất rủi ro.