Gia đình các quân nhân Mỹ kiện công ty Pháp hỗ trợ IS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gia đình của một số quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria đang kiện tập đoàn xi măng Lafarge của Pháp sau khi công ty này nhận tội thanh toán cho nhóm khủng bố.

“Các khoản thanh toán của Lafarge và đối tác kinh doanh với IS đã cung cấp cho IS nguồn vốn cần thiết để bọn chúng từ một lực lượng dân quân non trẻ vào đầu những năm 2010 trở thành nhóm khủng bố tàn bạo với khả năng và ý định giết người Mỹ”, đơn kiện của gia đình 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng viết.

Binh sĩ Mỹ chuẩn bị lên đường tuần tra tại miền đông bắc Syria vào tháng 5-2021

Binh sĩ Mỹ chuẩn bị lên đường tuần tra tại miền đông bắc Syria vào tháng 5-2021

Lafarge thời điểm những năm 2010 là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Hồi tháng 10-2022, họ đã nhận tội tại tòa án Brooklyn sau khi lần đầu tiên Chính phủ Mỹ truy tố một công ty vì tội hỗ trợ khủng bố. Lafarge đã sáp nhập vào tập đoàn Holcim và được niêm yết tại Thụy Sĩ vào năm 2015. Họ đã đồng ý trả 778 triệu USD tiền phạt như một phần của thỏa thuận nhận tội.

Tập đoàn của Pháp đã xây dựng một nhà máy trị giá 680 triệu USD ở miền Bắc Syria vào năm 2011 nhưng nhanh chóng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty nhập khẩu xi măng rẻ hơn. Trong quá trình vận hành, công ty đã trả gần 6 triệu USD cho các nhóm chiến binh để duy trì hoạt động của nhà máy, để nhân viên của họ được bảo vệ cũng như đảm bảo an toàn cho các chuyến hàng đi qua các trạm kiểm soát sau khi xung đột dân sự nổ ra ở Syria. Điều đó giúp công ty kiếm được 70 triệu USD doanh thu bán hàng từ nhà máy ở miền Bắc Syria.

Theo nhà chức trách Mỹ, công ty đã nhắm mắt làm ngơ trước hành động của các nhóm chiến binh IS mà họ hợp tác khi đó. Họ cũng sử dụng các hợp đồng giả và các tài liệu giả mạo khác nhằm che giấu mối quan hệ kinh doanh với các nhóm chiến binh. “Không có lời biện minh nào khi một tập đoàn đa quốc gia ủy quyền thanh toán cho một nhóm khủng bố được chỉ định. Các khoản thanh toán như vậy vi phạm nghiêm trọng luật pháp của chúng tôi, không thể nào qua mặt sự giám sát tối đa của chính quyền Mỹ và cần phải trừng phạt nghiêm khắc”, Trợ lý Tổng chưởng lý Matthew Olsen ra thông báo hồi tháng 10. Lafarge phản biện rằng các thỏa thuận tài chính được thực hiện không liên quan đến ý thức hệ của nhóm khủng bố mà chỉ là một nỗ lực để đảm bảo lợi thế kinh tế.

Còn ở vụ kiện mới nhất này, các nguyên đơn tuyên bố rằng công ty đã đặt “lợi ích kinh tế” lên hàng đầu, giúp cung cấp nguồn tài trợ quan trọng cho một nhóm đang giết hại thường dân và người Mỹ vô tội. “Các bị đơn đã hỗ trợ và tiếp tay cho các hành động khủng bố quốc tế của IS và Mặt trận Al Nusra bằng các khoản thanh toán tiền mặt và bí mật thông qua các công ty vỏ bọc và trung gian nước ngoài. Lafarge biết rằng sự hỗ trợ vật chất này được trả cho các tổ chức khủng bố nước ngoài và sẽ được sử dụng để thực hiện các hành vi khủng bố quốc tế”.

Đơn kiện còn chỉ ra rằng, do không đóng cửa và sơ tán nhà máy, hàng tấn xi măng và nguyên liệu thô có giá trị vào tay IS và Mặt trận Al Nusra. Được biết, Lafarge cuối cùng đã sơ tán nhà máy xi măng vào tháng 9-2014. Vào thời điểm đó, Nhà nước Hồi giáo đã chiếm giữ số xi măng còn lại và bán đi với giá tương đương 3,21 triệu USD.

Gia đình của Cảnh sát trưởng Hải quân Jason Finan, Sĩ quan Hải quân cấp cao Scott Cooper và cựu Thủy quân lục chiến David Berry, những người đã bị IS giết ở Iraq và Syria từ năm 2015 đến 2017, đã mô tả họ phải chịu đựng nỗi khổ tột cùng về tinh thần khi mất đi người thân. Hiện chưa rõ bên nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại kinh tế như thế nào. “Lafarge thừa nhận đã trả hàng triệu đô la cho IS. Vụ kiện này nhằm buộc công ty phải chịu trách nhiệm trước các gia đình quân nhân chịu tổn thương bởi hành vi tàn ác và trái pháp luật của họ. Chúng tôi mong đợi nhiều gia đình hơn sẽ tham gia vụ kiện và mong muốn đưa vụ việc ra xét xử trước bồi thẩm đoàn của người dân New York”, luật sư đại diện bên nguyên đơn viết.