Gas lậu giết chết gas thật - Ai chịu thiệt?

ANTĐ - Thị trường gas Việt Nam vừa chấn động trước tin hãng Shell Gas chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam bất chấp thực tế cho thấy thị trường gas Việt Nam đang tăng trưởng, trung bình mỗi năm khoảng 10%. Việc rời bỏ cuộc chơi trên thị trường gas có nguyên nhân từ tình trạng sang chiết gas lậu không kiểm soát được. 

Theo ước tính có đến gần 40%, tức số lượng là hàng triệu bình gas trôi nổi. Việc gas lậu giảm giá tới mức gas thật không thể cạnh tranh, đã giết chết các hãng kinh doanh uy tín và cuối cùng không chỉ Nhà nước mất nguồn thu thuế mà người tiêu dùng chính là người gánh chịu thiệt thòi và cả những rủi ro.

Ảnh Internet

Đại gia Shell Gas rời thị trường Việt Nam 

Đây là thương hiệu dầu khí toàn cầu thứ ba rời thị trường gas Việt Nam, trước đó là Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh). Tập đoàn Shell (Hà Lan) xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong một công ty liên doanh kinh doanh gas ở Hải Phòng và công ty gas 100% vốn của Shell tại TP.HCM cho Công ty Siam Gas (Thái Lan). Shell Gas đã hoạt động tại thị trường Việt Nam được hơn một thập niên và được xem là một thương hiệu uy tín trên thị trường gas Việt Nam, một thương hiệu mẫu mực trong việc phát triển hệ thống phân phối với các cửa hàng bán lẻ chỉ bán duy nhất một loại bình Shell Gas.

Tuy nhiên hoạt động kinh doanh gas không đem lại hiệu quả cho Shell Gas. Chi phí công ty này bỏ ra quá lớn so với lợi nhuận thu về. Hệ thống này đã teo tóp dần, rồi Shell Gas chấp nhận cho các cửa hàng bán bình Shell Gas lẫn với các thương hiệu khác. Đó cũng là cách tập đoàn dầu khí lớn nhất nhì thế giới này nhượng bộ, thay đổi nguyên tắc của mình để thích nghi với thị trường Việt Nam. Song sự thay đổi này cũng không giúp hoạt động kinh doanh khá hơn. Cách đây hai năm Shell chuyển toàn bộ bộ phận văn phòng kinh doanh ở Hà Nội sáp nhập vào công ty ở TP.HCM, một cách để tiết giảm chi phí quản lý, và nay chấp nhận nhường cuộc chơi lại cho công ty khác.

Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas VN cũng cho rằng các “đại gia” lớn của ngành gas rút khỏi Việt Nam vì môi trường kinh doanh không thuận lợi. Theo bà, hoạt động sang chiết gas lậu tràn lan khắp nơi, đặc biệt tại tỉnh Long An và Ðồng Nai, giúp giới buôn lậu gas ở Việt Nam cạnh tranh quyết liệt về giá: “Theo tôi, tình hình sang chiết gas lậu một số nơi có cải thiện nhưng một số nơi thì vẫn vậy. Gần đây lực lượng chức năng phát hiện một số vụ sang chiết gas lậu lên đến hàng nghìn bình gas tại Long An, Đồng Nai... Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực hơn nhưng thật ra vẫn chỉ mới làm ở đằng ngọn. Hiệp hội đã kiến nghị nhiều điểm giúp cải thiện tình hình nhưng dường như những kiến nghị đó chưa đến được nơi cần đến”.

Sống chung với nạn sang chiết gas trái phép

Cách đây vài năm, lúc thị trường gas mới hình thành, khi nói đến bình gas màu đỏ người tiêu dùng muốn chỉ Elf Gas, xanh lá cây là BP, xanh da trời nhạt là Shell, xám là Saigon Petro...Nhưng rồi mọi chuyện rối tung lên khi công ty nào cũng thích sơn màu bình gas bán chạy nhất. Màu bình gas không còn là độc quyền của riêng ai. Các công ty lại phải bỏ ra một đống tiền để thuyết phục người tiêu dùng đừng gọi gas theo màu bình nữa mà phải nhớ tên thương hiệu... Nhưng thị trường có đến gần 40% bình gas trôi nổi không quay về chủ sở hữu để làm công tác kiểm định chất lượng. Các công ty kinh doanh gas phải chấp nhận thực trạng không thể kiểm soát này. Điều này đồng nghĩa với việc “phải sống chung” với nạn sang chiết gas trái phép.

Lâu nay tình trạng bát nháo trên thị trường gas vẫn là câu chuyện thời sự, bởi mặc cho việc đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, sang chiết gas lậu vẫn tràn lan, là nguyên nhân gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Theo phản ánh của các hãng gas, hiện nay việc chiếm dụng vỏ bình diễn ra phổ biến. Một số công ty kinh doanh gas được lập ra chỉ nhằm mục đích buôn bán vỏ chai gas. Một số doanh nghiệp khác lập ra xưởng cải tạo, sửa chữa vỏ chai gas nhưng thực chất là chiếm dụng chai gas của các hãng uy tín, sau đó cải tạo thay tai xách, đóng dập lại số sêri, sơn hoặc dán logo nhãn mác thành vỏ chai mang thương hiệu của họ để tung ra thị trường.

Việc vi phạm này diễn ra phổ biến có nguyên nhân do đầu tư cho vỏ chai gas rất tốn kém. Số tiền đổ vào đây chiếm đến 60-80% tổng giá trị tài sản của DN kinh doanh gas, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực kinh tế để đáp ứng. Do đó, cách dễ nhất là chiếm dụng và biến vỏ gas của thương hiệu khác thành của mình, hay thậm chí nhái các nhãn hiệu gas uy tín để trục lợi. “Nguồn” của các chai gas nhái nhãn hiệu này chính là từ các trạm sang chiết trái phép. Các trạm sang chiết nạp lậu chỉ cần đầu tư vài trăm triệu đồng vào thiết bị không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, không tốn tiền đầu tư vào vỏ chai gas tốt, không bảo dưỡng, không kiểm tra sang chiết gas định kỳ…Với việc chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, những bình gas không đủ chuẩn trở thành những quả bom nổ chậm, có thể gây hại cho người sử dụng bất cứ lúc nào.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Theo Hiệp hội Gas từ năm 2009, họ đã ký quy chế phối hợp với lực lượng công an và vẫn cung cấp thông tin những trạm sang chiết gas có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên tình trạng sang chiết gas lậu vẫn không có dấu  hiệu giảm đi. Nguyên nhân có thể nằm ở sự tinh vi của các cơ sở vi phạm, và không loại trừ có cả sự “bảo kê” của các địa phương. Đây là quan điểm của nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh gas.

Thực tế cho thấy từ trước đến nay các vụ khám phá các điểm sang chiết gas lậu lớn nhất đều do các địa phương thực hiện, bởi lợi thế sâu sát địa bàn. Tuy nhiên nếu địa phương “lơ” đi, hoặc chỉ cần thiếu sâu sát, hoạt động sang chiết trái phép khó có thể ngăn chặn. Việc này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh gas Việt Nam mà hệ quả là làm những công ty uy tín nản lòng; và gánh chịu hậu quả không ai khác hơn là người tiêu dùng.

Ý kiến của đại diện Hiệp hội gas Việt Nam về việc quản lý thị trường gas rằng: “Các cơ quan chức năng cũng nỗ lực nhưng thật ra vẫn chỉ mới làm ở đằng ngọn. Hiệp hội đã kiến nghị nhiều điểm giúp cải thiện tình hình nhưng dường như những kiến nghị đó chưa đến được nơi cần đến” – đó là điều mà các cơ quan hữu trách cần phải suy nghĩ. Cần phải có những động thái quyết liệt, không thể dung dưỡng, tạo “đất” sống cho hàng giả, hàng nhái, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và quan trọng là không thể để người tiêu dùng Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi từ những việc làm ăn phi pháp. 

Hiện nay, giá trung bình một bình gas có giá từ 410.000 – đến 460.000 đồng/bình tùy theo hãng, tuy nhiên có rất nhiều hãng gas đang tung ra các mức giá rẻ bất ngờ, chỉ khoảng từ 350.000 - 360.000 đồng/bình cùng nhiều hình thức khuyến mãi khác như bột giặt, nước rửa bát, xoong, chảo…. Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua bình gas giá rẻ vì rất có thể đây là gas giả, gas nhái sang chiết trái phép, thậm chí còn bơm thêm nước vào bình gas để cho đủ trọng lượng. Nên lựa chọn các hãng gas uy tín có tên tuổi kẻo tiền mất tật mang.