Gập ghềnh đường chuyển tiếp

ANTĐ - Chặng đường chuyển tiếp chính trị tại các quốc gia chìm trong chiến tranh và bất ổn ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông như Libya, Ai Cập, Yemen... đang trải qua những khúc quanh đầy khúc khuỷu khó có thể lường trước.

Cuộc bầu cử tại Ai Cập diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt

Ai Cập đã bước vào cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc cách mạng "Mùa Xuân Arập" lật đổ chế độ Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2-2011 trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Các cử tri đến các địa điểm bỏ phiếu trong bối cảnh đất nước vẫn đang lâm vào khủng hoảng do những vụ đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trong những ngày qua làm ít nhất 41 người chết và hơn 2.000 người bị thương.

Không những thế, tiến trình được xem là dân chủ này ở Ai Cập còn diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, tới ngày 11-3-2012 mới kết thúc việc bầu cử Hội đồng Nhân dân (Hạ viện) và Hội đồng Shura (Thượng viện). Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống cũng chưa xác định được ngày giờ cụ thể ngoài kế hoạch diễn ra trước cuối tháng 6-2011.

Song ngay cả khi hoàn tất tiến trình bầu cử đầy khó khăn thì Ai Cập vẫn chưa chắc đi tới cái đích dân chủ được đặt ra từ lúc khởi phát làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Mubarak. Bởi hiện chưa có gì để khẳng định rằng Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA) được lập ra để điều hành đất nước sau khi chế độ Mubarak sụp đổ sẽ trao toàn bộ quyền lực cho chính phủ dân sự được lập ra từ cuộc bầu cử.

Tình hình tại Libya, quốc gia Bắc Phi láng giềng của Ai Cập, cũng không sáng sủa hơn cho dù đã lật đổ chế độ của ông Muammar Gadhafi. Chỉ 3 ngày sau khi được bổ nhiệm ngày  22-11, Bộ trưởng đầu trong Chính phủ chuyển tiếp của Libya là Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Fethi Tarbel đã tuyên bố từ chức do bất đồng đối với việc xét xử các nhân vật lãnh đạo thuộc chính quyền Gadhafi trước đây.

Cho dù chỉ là mâu thuẫn quan điểm trong việc xét xử thành viên chế độ cũ song việc từ chức của ông Tarbel đã cho thấy rất khó để có thể thực hiện ưu tiên cốt lõi tại Libya lúc này là hoà giải. Không có hoà giải và đoàn kết thì chặng đường chuyển tiếp mở ra trước mắt người dân và đất nước Libya sẽ còn đầy khó khăn và bất trắc.

Cuộc chuyển giao quyền lực tại quốc gia Trung Đông Yemen cũng không hề dễ dàng cho dù ông Ali Abdullah Saleh đã chấp nhận ra đi để mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn vào ngày 12-2-2011. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn lo ngại rằng dù chấp nhận ra đi sau 33 năm nắm quyền nhưng Tổng thống Saleh sẽ tiếp tục giữ một vai trò nào đó trong chính trường Yemen vì thoả thuận chuyển giao quyền lực không đề cập tới vấn đề này.

Nhiều quốc gia Hồi giáo tại Bắc Phi và Trung Đông đã chấn động vì hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo lực và chiến tranh từ đầu năm nay với những cuộc xuống đường được gọi là "Mùa Xuân Arập" khiến hàng chục nghìn người thương vong. Thế nhưng, tiến trình chuyển giao chính trị và quyền lực ở khu vực này xem ra vẫn chứa đựng vô vàn khó khăn và bất ổn cho dù các chính quyền hay nhà lãnh đạo cũ đã bị lật đổ hoặc chấp nhận ra đi.