Gặp cô gái khiến cả nước rơi nước mắt

ANTĐ - Đôi chân nhỏ bé ấy đã gục ngã nhưng đôi tay vẫn cố vươn, chạm về đích. Sự kiên cường của cô gái xứ Thanh trên đường đua khiến những người chứng kiến đều rớt nước mắt, bạn bè nước ngoài phải ngả mũ thán phục trước tinh thần Việt Nam.

Tấm HCB cự ly 3.000m mà Nguyễn Thị Phương giành được ở Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 26) vừa qua với nhiều người nó còn quý hơn vàng khi chứng kiến sự quả cảm của em trên đường đua.

Không gục ngã

Mới vừa đặt chân tới Hà Nội sau lớp học cảm tình Đảng tại quê nhà nhưng Bích Phương đã miệt mài tập luyện trở lại trong thời tiết giá lạnh. Gặp em vào một buổi sáng mùa đông. Nghe Phương tâm sự về hoàn cảnh gia đình, chúng tôi mới hiểu tại sao Phương lại “già trước tuổi”. Sinh năm 1990, là con thứ 5 trong gia đình 6 anh em, bố mẹ làm nông, cuộc sống vất vả sớm hiện rõ trên gương mặt em. Mẹ mất sớm từ năm Phương lên 7 tuổi, bố vì thương các con còn nhỏ, một mình khó chèo chống nên đã đi bước nữa, lấy dì hai. Dì kém bố đến gần hai con giáp nên Phương nói trong gia đình ít nhiều có khoảng cách với dì. Em hiểu điều đó và cảm thông cho dì. Bố vì lo chuyện đồng áng lại thêm đàn con thơ nên dù muốn cũng không thể quan tâm em được nhiều. “Tính em là thế, cứ vô tư sống cho đầu óc thoải mái” - Phương chia sẻ.

Trong nhà Phương thân với em trai nhỏ, 7 tuổi, (con của dì hai và bố). Hồi ở Indonesia Phương hay gọi điện cho bố, nói cho con được nói thêm với em. Phương yêu quý em cũng như anh chị khác trong nhà. Thi thoảng có thời gian về thăm gia đình, cô chị thường mua tặng cho em đồng quà, tấm áo dù chính mình cũng chẳng mấy khi sắm sửa cho bản thân vì mức lương bèo bọt. Đợt này được tập luyện ở đội tuyển quốc gia, có thêm tiền phụ cấp ăn (cộng cả lương là hơn 5 triệu đồng/tháng) nhiều hơn hồi tập ở đội Thanh Hóa đến 4 triệu, lại thêm được một số giải thưởng nên Phương dành dụm mua cho bố và dì vài cái nồi, cái chảo mới. “Đã mấy Tết nay em về nhà nhưng chỉ có túi quà động viên tinh thần chứ tiền thì lấy đâu ra để phụ giúp bố và dì” - Phương buồn buồn.

Cơ duyên đưa Bích Phương đến với sự nghiệp thể thao cũng thật tình cờ. Bắt đầu tham gia thi đấu cho đội tuyển của trường từ năm lớp 8 rồi sau đó Phương được HLV Lê Mạnh Hùng phát hiện và đưa vào trường năng khiếu thể thao của tỉnh. Năm 2005 em bắt đầu có thành tích ở cấp quốc gia. Gia đình không có ai theo nghiệp thể thao nhưng em may mắn khi luôn có được hậu phương vững chắc là sự ủng hộ, động viên của gia đình và những người thân.

Phương đã gục ngã khi chỉ cách đích vài mét.

Sự khắc nghiệt trong luyện tập thể thao là điều mà Phương và mọi người khi đã theo nghề đều cảm nhận rõ ấy vậy mà có khi em đã nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Mấy năm đầu em tập chạy nội dung marathon cự ly 42km, tập luyện rất cực. Có những hôm phải chạy đến 45km. Giờ tập luyện của bọn em thường bắt đầu từ sáng sớm. Thường thường là từ lúc 4 đến 5h sáng.

Sau quan sát thấy em có thế mạnh hơn về tốc độ, HLV chuyển em sang nội dung ngắn 3.000m vượt chướng ngại vật. Việc tập luyện sức bền được giảm bớt thì em phải tập thêm tạ, tập vượt chướng ngại vật sao cho khéo léo hơn. Thời gian chạy được rút ngắn nhưng bài tập nặng dần lên. Những năm 2005-2006, mùa đông, trung tâm luyện chưa có bình nóng lạnh nên mọi người phải tắm bằng nước lạnh. Tắm xong chỉ thấy mệt, cơm canh không ăn. Chân tay thì đau nhức, không ngủ. Đứa này bóp chân cho đứa kia. Có những hôm vừa về đến phòng là cả nhóm mấy đứa con gái ngồi ôm nhau khóc.

“Rồi mọi thứ cũng qua đi khi mình nghĩ tới niềm đam mê anh ạ” - Phương trầm ngâm. Nhìn em da mặt giờ hỏng hết rồi nhưng ít khi em chăm sóc phần vì không có thời gian, phần vì sợ vì bôi kem không đảm bảo chất lượng hay chạy suốt ngoài nắng có khi còn tác dụng ngược lại. Tham gia thi đấu SEA Games 26 ở nội dung 3.000m vượt rào nữ, Nguyễn Thị Phương thi đấu rất tốt và liên tục nằm trong tốp dẫn đầu ở phần lớn chặng đua. Nhưng cơn mưa lạnh ở Palembang, Indonesia đã khiến Phương gục ngã vì kiệt sức khi cách đích chỉ tầm 2m nữa.

Nhiều người đã nghĩ em không thể đứng dậy nhưng rồi cô gái ấy vẫn vươn tay chạm đích mang về tấm huy chương bạc thứ 2 cho điền kinh nước nhà. Chứng kiến hình ảnh đó rất nhiều người đã bật khóc. Với Phương, ngã không có nghĩa là thất bại. Ý chí của những người thầy như HLV Lê Văn Hùng và suy nghĩ “không thể gục ngã như thế” đã truyền cho cô gái nhỏ sức mạnh khi toàn thân đã kiệt sức. Sau thất bại, em thẳng thắn nhìn nhận vào sự non kinh nghiệm của mình. Em ước gì mình có thể thi lại.

Năm 2006, Bích Phương dính chấn thương ở đầu gối phải mất 3 tháng để phục hồi. Cô gái trẻ tưởng chừng như gục ngã, từ bỏ nghiệp thể thao. Thành tích thì chưa có, chân lại chấn thương. Nhưng với nghị lực và sự yêu nghề, Phương đã vượt qua tất cả. Nhìn chăm chăm phía đường chạy, Phương tâm sự: “Khi ấy em nản lắm, chỉ muốn bỏ thôi. Bạn bè nhiều em bị loại càng khiến em muốn bỏ cuộc. Nhưng sự tận tình của người thầy 9 lần vô địch chạy việt dã trong đó có 7 năm liên tiếp vô địch đã vực dậy ý chí thi đấu của em”.

Ngã không có nghĩa là thất bại

- Trước khi SEA Games các thầy có đặt nặng thành tích với em không?

- Do em là vận động viên trẻ, lần đầu tham gia đấu trường lớn như thế nên các thầy không đặt nặng thành tích, chỉ cần có huy chương là đạt.

- Em chuẩn bị tinh thần thế nào trước khi lên đường thi đấu?

- Em chỉ còn biết cố gắng hết sức của mình, tuân thủ đúng kỹ chiến thuật của các thầy đã dạy.

- Việc ăn ở, sinh hoạt trước khi ra sân thi đấu của em có gặp những khó khăn gì không?

- Như mọi người đã biết đấy, đồ ăn của nước bạn không hợp khẩu vị với em. Bọn em có mang mỳ tôm theo nhưng khi thi đấu xong là hết, mọi người chỉ ăn hoa quả. Trước khi thi đấu em cũng chỉ ăn mỳ tôm, ruốc, thịt và nước mắm mang theo. Trước ngày thi đấu em trằn trọc mãi không ngủ được. Cứ nghĩ đến buổi thi đấu chiều hôm sau là đầu lại căng như dây đàn. Chiều hôm sau ra đường đua, đầu em đau như búa bổ.

- Thời tiết hôm đó có ảnh hưởng gì đến việc thi đấu của em không?

- Hôm đó đầu em đau cộng với trời mưa rất to, nước như tát vào mặt, ù hết tai, không nghe thấy tiếng mọi người cổ vũ. Em cũng chỉ chạy theo bản năng thôi, tất cả vì màu cờ sắc áo.

- Lúc nhìn thấy vạch đích, trong đầu em đã nghĩ gì?

- Em không nghĩ gì cả, chỉ biết hướng về đích. Trong những mét cuối cùng em đã bứt phá và bỏ xa đối thủ khoảng 4,5m nhưng do non kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế nên em đã gục ngã.

Gặp cô gái khiến cả nước rơi nước mắt ảnh 2
Phương trong 1 lần nhận huy chương.

- Vậy khi em gục ngã, động lực nào khiến em cố với tay về vạch đích trong khi mình đã kiệt sức?

- Với em một vận động viên mà bỏ cuộc là điều nhục nhã, lúc đó trong đầu chỉ nghĩ bằng giá nào cũng phải về đích cho dù thành tích là như thế nào. Khi về đến đích thì em đã không còn biết gì nữa...

- Lúc tỉnh dậy em đã thấy ai đầu tiên bên cạnh mình?

- Lúc đó em đang nằm ở phòng hồi sức, HLV của em là người đầu tiên em nhìn thấy. Thầy nói nhẹ nhàng với em: “Không sao đâu, đạt được như thế là tốt lắm rồi...”. Lúc đó em chỉ muốn vùng đứng dậy và được thi đấu lại thôi.

- Em ảnh hưởng bản lĩnh thi đấu và nghị lực phi thường từ ai?

- Thực ra ý chí và tinh thần không bỏ cuộc là do tự em có trong quá trình tập luyện ở trường. Thầy Lê Văn Hùng là người dạy em biết yêu đường chạy và tinh thần vì màu cờ sắc áo.

- Câu nói nào của thầy mà em còn nhớ nhất và coi nó là động lực cho mình?

- Có lần thầy đã nói với em: Đã quyết định theo nghề thì phải yêu nghề của mình. Cho dù phải đổ mồ hôi, nước mắt và máu cũng phải hướng về phía trước. Không bao giờ được bỏ cuộc.

- Theo em, tấm huy chương bạc vừa rồi của em có phải là thất bại hay không?

- Với em nó không phải là thất bại, em chỉ hối tiếc vì không đạt được thành tích cao nhất. Em đã cố gắng hết sức mình rồi.

- Em có dự định gì cho tương lai không? Việc học của em bây giờ thế nào?

- Em vẫn đang theo học Đại học Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) theo khóa học tích lũy. Em nghĩ vận động viên nào cũng có thời kỳ đỉnh cao phong độ, chính vì thế phải học tập để nghiệp thể thao của mình không bị đứt.

- Nghe nói Phương đã có bạn trai? Anh ấy có động viên gì trước khi lên đường thi đấu không?

- Vâng, em có rồi! Anh ấy và mọi người luôn động viên em rất nhiều. Bạn trai em còn hứa nếu được huy chương vàng SEA Games sẽ mua tặng con gấu bông thật to. Khi em được huy chương bạc, bạn ấy vẫn đưa em đến cửa hàng gấu bông. Em đã từ chối và hy vọng mùa sau sẽ được con gấu bông to hơn.

- Vậy mục tiêu trong tương lai của em là gì?

- Vừa rồi em cán đích với thời gian là 10 phút 04. Mục tiêu của em là phấn đấu rút ngắn thời gian xuống còn dưới 10 phút.

Năm 2007, Phương đoạt HCĐ giải vô địch quốc gia; 2008, có HCV rồi sau đó năm 2009 vô địch quốc gia ở nội dung 3.000m vượt rào. Từ đó cho đến nay Phương liên tục được huy chương vàng ở nội dung này. Tháng 7- 2011 Phương từng thi đấu giải vô địch châu Á tại Nhật Bản. Mới đây nhất là tấm HCB trên đường đua 3.000m vượt rào tại SEA Games 26 tại Indonesia với thời gian 10 phút 04. Hiện tại Phương đang theo học năm thứ 3, ĐH Thể thao Từ sơn Bắc Ninh theo khóa học tích lũy.

Vừa qua trong lễ trao giải cho VĐV xuất sắc tại SEA Games 26, cùng với VĐV vật Lương Thị Quyên (cũng người Thanh Hóa), Phương được trao giải Tinh thần Việt Nam. Đó là những ghi nhận của nước nhà trước nghị lực phi thường của em.