- Singapore nhập nhiều gạo từ Việt Nam nhất trong 6 tháng đầu năm
- Philippines giảm mạnh thuế nhập khẩu, gạo Việt thêm cơ hội xuất khẩu
Ngại làm việc với thị trường khó tính
Tại cuộc họp liên quan đến mặt hàng gạo mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ông Nguyễn Hồng Diên đã nêu một vấn đề rất đáng suy ngẫm. Đó là việc dù các cơ quan chức năng phải mất rất nhiều công sức để mở cửa các thị trường khó tính cho gạo Việt như Hoa Kỳ, EU… nhưng nhiều doanh nghiệp lại bỏ lỡ, không mặn mà gì với các “trận địa” này. Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thị trường “khó tính” thường có tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp phải chú ý từ mẫu mã tới chất lượng sản phẩm… Trong khi đó, các thị trường khác lại ít đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời sẵn sàng mua với số lượng nhiều. Thế nên dù đã được cấp phép vào các thị trường này nhưng doanh nghiệp lại… ngại bán.
Gạo xuất khẩu cần được biết đến rộng rãi hơn ở các thị trường “khó tính” |
Ngành hàng lúa gạo đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nó còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống người nông dân, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Đặc biệt năm 2023 đã đạt kết quả tích cực khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Sản xuất lúa gạo tương đối thuận lợi và ổn định trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 (sản lượng cả năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15-7-2024 khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2023). Năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc (giảm khoảng 35 nghìn tấn), trong đó tổng khối lượng cho xuất khẩu ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Xuất khẩu gạo tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2024 khi khối lượng tăng 5,8% (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.
Thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Đáng chú ý, gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Dù vậy, giá gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn bị trồi sụt, có lúc thấp hơn các nước còn lại, cho thấy sự chưa ổn định tại thị trường xuất khẩu.
Sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường nước ngoài |
Cần đa dạng hóa thị trường
Đánh giá về những hạn chế của hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu gạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp; đời sống của một số bộ phận còn khó khăn; xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hóa thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu; doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch. “Đặc biệt, mặc dù đã có thương hiệu, nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.
Thậm chí, tại một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có chỗ đứng nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chức năng nhưng các doanh nghiệp và sản xuất gạo không duy trì được các thành tựu, tự đánh mất thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất là ngành lúa gạo vẫn thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát. Đầu tư của Nhà nước (và ngoài Nhà nước) cho sản xuất lúa gạo, nhất là gạo xuất khẩu, chưa xứng tầm (về giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh hoặc không nắm giữ phát triển thị trường, củng cố thương hiệu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…
Theo ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam. “Thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh quyết liệt về giá cả, chất lượng giữa các nước xuất khẩu làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu gạo của các nước cùng yếu tố xung đột địa chính trị, bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng gia tăng trên thế giới đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam...” - ông Nguyễn Anh Sơn nói. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, từ lâu ngành hàng lúa gạo đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lúa gạo vào khoảng 4 tỷ USD. Dù không cao như một số ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, song đây lại là ngành hàng giữ vị trí quan trọng vì liên quan mật thiết đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia. “Từ năm 2016, Chính phủ đã không phải giao các địa phương mua tạm trữ mà đã thành công trong sản xuất, xuất khẩu với thị trường ngày càng đa dạng hơn. Nhiều thời điểm, chúng ta không có gạo để bán. Xuất khẩu gạo cũng thay đổi với sản lượng giảm bớt, song chất lượng ngày càng nâng cao” - ông Nguyễn Ngọc Nam chỉ rõ.
Để khai thác tốt hơn các cơ hội xuất khẩu gạo, cần khắc phục các hạn chế nêu trên. Đồng thời, các bộ, ngành cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo mang tầm cỡ quốc gia để quốc tế biết tới, sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhằm gia tăng giá trị và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cũng đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo an``` sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững; nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.
Hội đồng cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo…