“Gạch máu” - Sản phẩm từ sự lao động khổ sai

ANTĐ - Thành phố Hyderabab, thuộc thủ phủ của bang Pradesh, phía nam Ấn Độ, được cho là lò gạch lớn nhất nước khi ngành xây dựng của Ấn Độ đang trên đà phát triển. Nhưng các nhà hoạt động nhân đạo nhận thấy có lẽ không nơi đâu người công nhân làm gạch lại có một cuộc sống tồi tệ đến thế.
 

Chủ các lò gạch không chỉ là người bản xứ, còn có các công ty đến từ nước Anh và một số nước tư bản khác, nhưng tựu chung lại là họ đang sử dụng công nhân Ấn Độ một cách rẻ mạt, với điều kiện làm việc thiếu thốn trăm bề.

Cái giá của ngành công nghiệp gạch Ấn Độ là đang biến 2 triệu công nhân gạch thành những người “nô lệ” khổ nhất nước.

Với 12 giờ làm việc mỗi ngày, tiền công là khoảng 1,5 bảng Anh (tương đương với 48 nghìn đồng Việt Nam), khói độc từ các lò bốc lên 24/24h, điều kiện sống khắc nghiệt, đó chính là lý do tại sao các nhà hoạt động nhân đạo nói rằng gạch đang được “làm” từ máu của người công nhân.

Môi trường làm việc hà khắc cùng những ràng buộc vô lý

Mỗi người công nhân khi bước chân vào làm việc là phải ký hợp đồng 6 tháng một lần, với những điều khoản mà ngay cả bản thân họ cũng chưa chắc được đọc kỹ, và kể cả khi hết hợp đồng cũng không phải ai cũng dễ dàng thoát được, một người công nhân cho biết tuần trước có 2 người thanh niên đã bị đánh gãy tay khi muốn bỏ việc.

Những người phụ nữ, thậm chí là phụ nữ mang thai cũng phải đội trên đầu những chồng gạch rất nặng, họ làm việc từ 12 tới 18 tiếng mỗi ngày.

Trẻ con theo cha mẹ từ khắp nơi tới đây kiếm sống, chúng lang thang chơi trong khi cha mẹ làm việc, những lò gạch nóng tới hàng nghìn độ, nhưng chồng gạch cao ngút trời mà có khả năng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.

Bọn trẻ dắt díu nhau chờ cha mẹ chúng làm việc cật lực gần một ngày trời mới miếng ăn. Bệnh viêm phổi từ môi trường luôn nghi ngút bụi than tăng lên nhanh chóng.

Những người công nhân mặt mũi tăm tối, dáng vẻ mệt nhọc đang tiếp tục công việc của mình ở một nơi văn minh trên trái đất, nhưng cuộc sống của họ không khác gì cuộc sống của những nô lệ thời xa xưa.

Dù biết tất cả những điều khoản trong hợp đồng lao động là bất hợp pháp, điều kiện và môi trường làm việc còn rất xa mới đến chuẩn, nhưng nơi đây dường như là nơi mà pháp luật không thể can thiệp - nơi mà cộng đồng thế giới chỉ có thể xót thương!