FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN (2): TÂY NGUYÊN NHỮNG THÁNG NGÀY NÓNG BỎNG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chúng đã liều lĩnh mở những cuộc tập kích bất ngờ nhằm khuấy động cuộc sống bình yên của nhân dân, phá hoại hệ thống kết cấu hạ tầng còn nghèo nàn, giết hại những cán bộ, chiến sĩ và cả những người dân vô tội ở các buôn làng. Đó là những tháng ngày Tây Nguyên u ám bởi bóng ma Fulro, và máu trên các dốc núi, triền rừng đã đổ…

Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo.

Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét…

Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro - bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi tại tư gia ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Lạt, Đại tá Vũ Linh (tức Tư Vũ, nguyên Trưởng Ty Công an Lâm Đồng, Cụm trưởng An ninh Tây Nguyên) vẫn còn nặng nề: “Hồi đó, ngày nào chúng tôi cũng nhận được tin cấp báo về những hoạt động và hành vi tội ác của bọn Fulro trên khắp địa bàn. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn độc ác nào, nhằm vào bất kể mục tiêu quân sự hay dân sự, sẵn sàng xả đạn vào cán bộ, công an, quân đội hay thường dân…”

Theo tư liệu của Đại tá Vũ Linh (tham luận nhân một cuộc hội thảo về vấn đề Fulro): Năm 1975, cùng với toàn miền nam, Tây Nguyên được giải phóng. Bọn phản động choáng váng trước sự kiện bất ngờ này, nhưng ngay từ thời điểm đó, chúng đã thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Sài Gòn bỏ lại và cơ cấu thành một tổ chức vũ trang do Kpă Kới làm Phó Tổng tư lệnh kiêm Phó Chủ tịch Fulro. Bên dưới Kới có Bộ Tổng tham mưu do Y Bach Êban làm Tổng tham mưu trưởng.

Đại tá Vũ Linh

Đại tá Vũ Linh

Chúng bố trí lực lượng theo 4 vùng chiến thuật nhằm thực hiện âm mưu chống phá lâu dài, tiến tới “xây dựng một nhà nước tự trị.” Theo đó, vùng 1 (hay còn gọi là Quân khu 1) là miền tây Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; vùng 2 là Gia Lai, Kon Tum; vùng 3 là Đăk Lăk, Quảng Đức và vùng 4 là Lâm Đồng, Ninh Thuận. Trong đó, vùng 4 hoạt động mạnh nhất mà nóng bỏng nhất là địa bàn Lâm Đồng.

Lợi dụng tình hình Tây Nguyên mới giải phóng chưa ổn định, Fulro nổi lên hoạt động mạnh ở nhiều nơi. Chúng xuất hiện trên nhiều buôn làng rải truyền đơn, tuyên truyền miệng xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước; dọa dẫm, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia tổ chức của chúng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động khủng bố, tấn công vào các đơn vị bộ đội, các tổ công tác của ta; phục kích, giết hại và làm bị thương hàng trăm người; cướp súng đạn, hàng hóa, tập kích đường giao thông, đốt phá trụ sở. Hàng ngàn thanh niên trong các buôn làng bị Fulro lôi kéo, cưỡng bức vào rừng. Không khí Tây Nguyên vào thời kỳ đó thật u ám, nóng bỏng.

Dù đã hơn 30 năm, nhưng anh Nguyễn Văn Sinh - hiện đang là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), trong lời kể về cái chết oan nghiệt của bố vợ anh do bọn Fulro gây ra, vẫn còn kinh hoàng. Đó là một đêm cuối năm 1979, khi buôn làng đang chìm trong giấc ngủ thì ngọn lửa bùng lên ở cuối thôn Bờ Sa. Tiếng người la hét hoảng loạn: “Fulro đốt nhà, bắt cóc mọi người đưa vào rừng rồi!”

Sáng hôm sau, người thân của họ liều mình vào rừng tìm kiếm. Mọi người đau đớn chứng kiến xác những người nông dân hiền lành bị đánh đập, máu me đầy mình, móc mắt và treo lên cành cây bên bờ sông Đạ Dâng. “Tội” của họ chỉ là không có lương thực góp cho bọn chúng.

Thiếu tá Liêng Bang, người chỉ huy đợt tập kích này, sau đó đã trở về đầu thú và hiện sống tại xã Đạ Đờn. Tiếp xúc với ông ta, tôi không có ý moi móc lại lỗi lầm xưa, nhưng Liêng Bang tỏ ra rất hối hận khi tôi nhắc lại hành vi man rợ đẫm máu đối với những người dân vô tội ấy…

Không ai có thể nhớ hết những tội ác, những nỗi đau thương mà tổ chức phản động Fulro gây nên đối với người dân Tây Nguyên. Những chuyến xe khách dân sự ì ạch qua đèo An Khê, đèo Bảo Lộc, quốc lộ 14 bị bọn chúng bất ngờ tập kích, giết chết tất cả đàn ông, hãm hiếp phụ nữ và cướp tài sản.

Trường học giữa buôn, bọn Fulro về thiêu cháy rụi, các cô giáo trẻ bị bọn chúng mang vào rừng hãm hiếp và vứt xác xuống suối. Những gia đình đồng bào mà Fulro nghi ngờ cộng tác với chính quyền, chúng giết sạch cả nhà và chặt đầu treo lên cành cây. Chúng giết bất cứ ai, nếu người đó không theo chúng.

Ông Lê Thành Danh, một người dân quê Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An vào Đắc Min (Đắc Nông ngày nay) xây dựng vùng kinh tế mới năm 1977, một năm sau đó ông và 5 người dân cùng làng bị bọn Fulro ném lựu đạn giết chết bên mé rừng khi họ đang phát cây khai hoang. Anh Tứ, con trai cả ông Danh, nhớ lại: “Hồi đó, tôi và những đứa em của mình còn nhỏ. Cả làng Đồi Hồng (xã Đức Minh) đi nhặt từng phần xương thịt cha tôi và những người xấu số khác. Bộ đội, du kích phải cảnh giới để mọi người lo hậu sự cho những người đã mất. Từ đó, những người dân trong làng không ai còn dám vào rừng nữa, nhiều người sợ hãi bỏ vùng kinh tế mới hồi hương…”

Đầu năm 1976, tại Gia Lai, một số tên cầm đầu Fulro lén lút móc nối hoạt động. Chúng bí mật củng cố lực lượng ngầm ở các buôn làng và tổ chức lực lượng vũ trang ngoài rừng.

Ngày 14/6/1976, tên Y Toan Êban và Ksor Hit đi liên lạc với “trung ương Fulro” từ Đăk Lăk trở về đã móc nối với các tên Nay Phun, Nayrông, R Cơmxik và 20 đối tượng khác đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Chư Sê để thành lập khung chỉ huy gọi là “quân đoàn” 12 Fulro với 12 tên do Nay Phun làm “tư lệnh”, R Cômsik làm “tỉnh trưởng” Pleiku.

Từ tháng 8/1976 đến tháng 2/1977, chúng gây ra 5 vụ tập kích trên quốc lộ 19 và quốc lộ 25, chặn đường và giết hại 106 người. Tập kích 4 vụ vào các lâm, nông trường và các xã, bắt đi 29 người và lôi kéo, khống chế hàng trăm thanh niên vào rừng.

Tại Lâm Đồng, đầu năm 1975, nổi lên tên Ha Nhang, vốn là một binh sĩ Ngụy, con của mục sư Ha Prông - Chủ nhiệm Nam Thượng hạt (Sông Bé, Lâm Đồng và thị xã Bảo Lộc), có uy tín và ảnh hưởng trong lực lượng Fulro. Vùng 4, theo kế hoạch của Fulro, gồm cả các tỉnh nói trên, sẽ là vùng chiến thuật quan trọng nhất của chúng. Ha Nhang tự xưng là Tư lệnh vùng 4. Dưới sự chỉ huy của hắn, bọn Fulro tập kích vào các cơ quan Đảng, chính quyền.

Ngày 8/4/1975, sau đúng 5 ngày Đà Lạt giải phóng, bọn chúng đã phục kích Đội công tác do đồng chí K’Brèo - Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng làm Đội trưởng; làm đồng chí Hà Ban, một thành viên của đội hy sinh.

Năm 1976, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) mới thành lập, tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân xã. Nửa đêm, Fulro đột kích cướp thùng phiếu rồi bắn súng M16, M79 vào trường tiểu học vừa xây dựng xong, bắt cóc rồi sát hại một cán bộ xã. Tại xã Liên Đầm (Di Linh, Lâm Đồng), ngày 27/1/1977, Fulro đã bắt rồi thủ tiêu anh K’Trang, một dân thường. Chúng vứt xác anh bên quốc lộ 20 chỉ vì K’Trang không chịu theo chúng vào rừng.

Từ năm 1978 đến 1989, Fulro ở Gia Lai đã gây nên 215 vụ phục kích, tập kích với những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng đã bắn giết dã man 198 người, làm bị thương 169 người khác, đốt 38 nhà dân, 8 trụ sở xã, phá hỏng 6 ôtô, kéo ra rừng 842 người.

Đại tá Vũ Linh kể: Vào một đêm tháng 4/1979, ông đi công tác cơ sở và đang ngủ thì nhận được tin báo một cửa hàng mua bán tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị tập kích. Bọn Fulro đã giết hại vợ chồng người nhân viên tên là Y Suk và đứa con nhỏ 4 tuổi của họ và cướp đi toàn bộ tài sản của cửa hàng. “Bản thân tôi và tất cả những người chứng kiến thảm cảnh ấy đều đau đớn, nhức nhối gan ruột”, Đại tá Vũ Linh nói.

Đêm 23/7/1976, tại Đăk Lăk, khoảng 50 tên Fulro bất ngờ tập kích vào đơn vị bộ đội thông tin tại huyện Krông Buk làm 3 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương. Ngày 16/1/1977, cũng tại Krông Buk, bọn Fulro giết đồng chí Ma Đôi - Bí thư chi bộ một xã thuộc huyện này, bắn bị thương chủ tịch xã, cướp đi 23 súng và lôi kéo 17 du kích người dân tộc vào rừng. Ngày 9/2/1977, một toán Fulro ngoài rừng kết hợp với số hoạt động bí mật trong các buôn Puôr, buôn Cuôr Ta Ra (Buôn Ma Thuột) chặn bắt 26 người dân ở xã Hòa Đông, 5 người chống cự, bị chúng xả súng và dùng dao giết chết. Còn lại 21 người, chúng đưa vào rừng giết.

Từ năm 1978 đến 1989, Fulro ở Gia Lai đã gây nên 215 vụ phục kích, tập kích với những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng đã bắn giết dã man 198 người, làm bị thương 169 người khác, đốt 38 nhà dân, 8 trụ sở xã, phá hỏng 6 ô-tô, kéo ra rừng 842 người. Ngoài ra, chúng còn tổ chức hàng chục vụ đặt mìn, phá hủy cầu cống trên các tuyến giao thông.

Điển hình là các vụ: Đêm 26/3/1979, một toán Fulro tập kích vào 3 xã Ama Rơn, Ia Pia, Chư A Thai (huyện Ayun Pa) giết chết 9 người, bắn bị thương 12 người, đốt phá 3 nhà kho chứa 15 tấn lúa. 8 giờ sáng 11/6/1980, Fulro phục kích trên đường vào Đăk Đoa, huyện Mang Yang bắn cháy 1 xe ô-tô làm chết 16 người.

Ngày 28/7/1989, chúng tập kích vào một số gia đình xã An Phú, Pleiku bắn chết 5 người dân vô tội. Ngày 25/5/1980, khi có 4 thiếu niên người Kinh ở xã H’Neng, huyện Mang Yang vào rừng hái xoài đã bị Fulro giết hại dã man. Sau đó, có 10 người thân của các em đi tìm đã gặp toán Fulro trên, 6 người chạy thoát, còn 4 người đã bị chúng giết hại...

Chúng tồn tại thêm ngày nào là ngày đó tình hình vẫn rối ren, là máu của đồng chí, đồng bào vẫn đổ xuống mảnh đất vừa trải qua chiến tranh đang cần sự bình yên… - Đại tá Vũ Linh -

Còn rất nhiều, rất nhiều tội ác khác do bọn Fulro gây ra, từ những năm sau giải phóng đến tận khi tổ chức của chúng bị xóa sổ. Trong bài viết dung lượng nhỏ này chúng tôi không thể điểm hết.

Đại tá Vũ Linh hồi tưởng: “Những ngày đó, cả nước hướng về Tây Nguyên với biết bao lo lắng. Đầu năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề Fulro.

Sau các Hội nghị Công an toàn quốc, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) mà trực tiếp là Bộ trưởng Phạm Hùng đã tổ chức nhiều cuộc họp và trực tiếp chỉ đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên phối hợp cùng các đơn vị của Bộ, quân đội, các địa phương cấp tốc tổ chức và triển khai các chuyên án để triệt phá tổ chức phản động nguy hiểm này. Chúng tồn tại thêm ngày nào là ngày đó tình hình vẫn rối ren, là máu của đồng chí, đồng bào vẫn đổ xuống mảnh đất vừa trải qua chiến tranh đang cần sự bình yên…”

>>FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN (1): TỪ BAJARAKA ĐẾN FULRO)