EU phản ứng đối với lời đe dọa "mở cửa" để đưa người tị nạn vào châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN - Chính phủ các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã lên tiếng đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì hoạt động quân sự của nước này tại vùng lãnh thổ Đông Bắc Syria. Các quốc gia EU giận dữ bác bỏ lời cảnh cáo trước đó của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng ông sẽ “mở cửa” để đưa 3,6 triệu người tị nạn vào châu Âu nếu như các nước EU không ủng hộ ông. 

EU phản ứng đối với lời đe dọa "mở cửa" để đưa người tị nạn vào châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Châu Âu có nguy cơ hứng chịu làn sóng tị nạn mới khủng khiếp hơn năm 2015

EU đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế, cấm vận vũ khí 

Thổ Nhĩ Kỳ mới tăng cường các cuộc không kích và pháo kích vào các mục tiêu quân sự của người Kurd tại Syria. Động thái này gây leo thang cuộc giao tranh vốn đã vấp phải nhiều cảnh báo về một thảm họa nhân đạo và cũng mở ra triển vọng về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ankara. 

Dù trước đó EU đã chỉ trích cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang có mong muốn được gia nhập khối 28 quốc gia này dù gặp nhiều chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của mình - nhưng những nhà lãnh đạo khối đã thực sự tức giận trước những lời đe dọa của ông Erdogan về việc đưa người dân tị nạn vào châu Âu. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận người tị nạn sẽ được vũ khí hóa và lợi dụng nhằm hăm dọa chúng tôi” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lên tiếng trên Twitter - “Những lời cảnh cáo của Tổng thống Erdogan là hoàn toàn không phù hợp”.  

“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận người tị nạn sẽ được vũ khí hóa và lợi dụng nhằm hăm dọa chúng tôi. Những lời cảnh cáo của Tổng thống Erdogan là hoàn toàn không phù hợp”.  

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cũng cáo buộc ông Erdogan tội đe dọa và yêu cầu chiến dịch quân sự phải chấm dứt ngay lập tức. Pháp đưa ra đề xuất trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh quân sự trong khối NATO, trong khi Quốc hội Thụy Điển đề nghị một lệnh cấm vận vũ khí từ EU. Tiếp tục gây căng thẳng lên Ankara trước phiên họp giữa các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao EU và Hội nghị Thượng đỉnh giữa các lãnh đạo trong khối, Cộng hòa Síp và Hy Lạp nhất trí đề xuất trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì việc nước này có hành vi khai thác khí gas tại các vùng biển phía Nam  Cộng hòa Síp. 

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mục đích của các hoạt động quân sự của mình tại Syria chỉ nhằm để đánh bại lực lượng YPG của người Kurd, vốn được xem bởi Ankara là có mối liên hệ với các phần tử ly khai người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này nói họ muốn tạo lập một “khu vực an toàn” nhằm đảm bảo sự trở về của hàng triệu người dân tị nạn vào lãnh thổ Syria và rằng châu Âu nên cung cấp nguồn lực tài chính cho dự án này - một kế hoạch mà EU thẳng thừng từ chối. 

Nhóm YPG là thành phần chiến đấu chủ yếu của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đồng minh chính của Mỹ tại Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa Mỹ đã cùng với các đối thủ của mình là Đảng Dân chủ lên tiếng chỉ trích quyết định rút quân khỏi khu vực của Tổng thống Donald Trump. Họ cũng đang bàn luận thêm về các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động quân sự chống lại người Kurd gần đây. 

Vướng mắc cần giải quyết trước khi EU có thể trừng phạt Ankara

Brussels nhờ cậy Ankara trong việc hạn chế số lượng người tị nạn tràn vào châu Âu, dựa theo một thỏa thuận năm 2016 giúp phong tỏa tuyến đường biển đi qua biển Aegean nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi hơn 1 triệu người đã nhập cư vào các nước EU. Một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho biết Liên minh châu Âu đã dành ra 6 tỷ Euro nhằm hỗ trợ lượng người dân tị nạn từ Syria hiện đang sống trong các khu trại nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người này cũng cho hay “việc lợi dụng thực tế này để làm đòn bẩy là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. 

Tới thời điểm hiện tại, các cuộc thảo luận trong nội bộ EU về việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh việc khai thác dầu khí của nước này tại các vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Síp với các mục tiêu là các công ty và cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao Pháp nói rằng châu Âu sẽ trông thật “ngớ ngẩn” nếu như các phương án trừng phạt hoạt động quân sự của Ankara lại không được bàn luận tới. Bộ trưởng Bộ ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề này tại cuộc gặp mặt sắp tới tại Luxembourg.

Điều này có nghĩa các lãnh đạo EU sẽ cân nhắc về các lựa chọn trừng phạt và có thể sẽ áp đặt mặc dù bất cứ quyết định nào của khối cũng cần sự đồng thuận của các quốc gia thành viên. Nhiều nhà ngoại giao EU cảnh báo trước rằng nhiều Chính phủ đang rất thận trọng trước việc có thể gây tức giận thêm cho ông Erdogan, vì Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia lớn và quan trọng. Được cho hay bởi hai nhà ngoại giao giấu tên, Hungary - quốc gia vốn luôn từ chối nhận người dân tị nạn từ cuộc nội chiến đã kéo dài 8 năm của Syria - đã phản đối các biện pháp trừng phạt và bác bỏ thông cáo chung của khối EU có nội dung chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo thỏa thuận tị nạn đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, liên minh 28 nước thành viên EU cam kết viện trợ 6 tỷ Euro (tương đương 6,6 tỷ USD) cho Ankara trong thời gian 2016-2019 để cải thiện điều kiện sống của người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, EU mới chỉ giải ngân cho Thổ Nhĩ Kỳ 2,57 tỷ Euro (tương tương 2,83 tỷ USD). Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã nhiều lần kêu gọi EU chia sẻ gánh nặng người tị nạn trong bối cảnh Ankara lo ngại rằng, dòng người di cư mới từ tỉnh Idlib (Syria), giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đổ sang quốc gia được coi là nơi trung chuyển vào châu Âu này.