Ecuador điều tra loạt bom thư gửi tới các nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhà chức trách Ecuador đang điều tra các phong bì thư chứa chất nổ được gửi đến các nhà báo tại một số cơ quan truyền thông, một trong số đó đã phát nổ nhưng không làm ai bị thương.
Lực lượng an ninh Ecuador khám nghiệm các bưu kiện nghi có chứa chất nổ gửi đến các nhà báo

Lực lượng an ninh Ecuador khám nghiệm các bưu kiện nghi có chứa chất nổ gửi đến các nhà báo

Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Juan Zapata cho biết, tất cả 5 gói hàng được gửi đi trong những ngày gần đây đều chứa các thiết bị nổ nhỏ được ngụy trang dưới dạng thẻ nhớ USB. Bộ trưởng Juan Zapata nói rằng, các phong bì được gửi từ thị trấn Quimsaloma, thuộc tỉnh ven biển Los Rios. Trong đó, 3 phong bì gửi đến Guayaquil ở phía tây nam và 2 phong bì gửi đến Thủ đô Quito. “Thiết bị thực sự giống nhau ở cả 5 nơi”, ông Zapata nói với các phóng viên.

Đáng chú ý, tại thành phố cảng Guayaquil, một gói hàng đã phát nổ trong phòng tin tức của kênh tin tức Ecuavisa hôm 20-3 khi nhà báo Lenín Artieda cắm thiết bị này vào máy tính. Máy tính đã bị phá hủy nhưng không ai bị thương. Nhà báo Artieda chuyên đưa tin về tội phạm và tham nhũng. Quan chức cảnh sát Xavier Chango cho biết thêm, Artieda bị thương nhẹ ở một tay và mặt. Ổ USB được gửi đến có thể đã được nạp RDX, một loại chất nổ quân sự.

Bộ trưởng Zapata cho biết, các nhà báo tại các kênh Teleamazonas, TC Televisión và Radio Exa cũng nhận được những gói hàng tương tự nhưng đã giao chúng an toàn cho cảnh sát. Nhà chức trách gọi đây là hành động khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ thông tin, hiện đã xác định được một nghi phạm. Vì cuộc điều tra đang tiếp diễn, ông không tiết lộ liệu người đó đang bị giam giữ hay không hay động cơ của các vụ tấn công là gì.

Tổ chức phi chính phủ Fundamedios ủng hộ quyền tự do báo chí cho biết, các cuộc tấn công đã sử dụng cùng một phương thức hoạt động. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh, an toàn của các phóng viên. Nhóm Fundamedios cho hay, phong bì gửi tới phóng viên Artieda có chứa lời đe dọa đối với nhà báo. Còn bức thư gửi cho kênh Teleamazonas có một ghi chú khẳng định chiếc USB chứa thông tin về Correismo - một phong trào chính trị được đặt theo tên của cựu Tổng thống Rafael Correa. Theo Fundamedios, các bức thư thể hiện sự leo thang mới trong bạo lực chống lại báo chí và kêu gọi Nhà nước can thiệp ngay lập tức.

Chính phủ Ecuador trong một tuyên bố khẳng định rằng, họ dứt khoát bác bỏ bất kỳ hình thức bạo lực nào gây ra đối với các nhà báo và cơ quan truyền thông, rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa báo chí và quyền tự do ngôn luận đều đáng lên án.

Ecuador nằm giữa Colombia và Peru, hai nhà sản xuất cocaine lớn nhất thế giới và quốc gia này đã trở thành trung tâm buôn bán ma túy toàn cầu trong những năm gần đây. Vào năm 2021, cơ quan thực thi pháp luật của Ecuador đã thu giữ một lượng ma túy kỷ lục 210 tấn, chủ yếu là cocaine. Trong đó, Guayaquil là một trong những thành phố bạo lực nhất, với các cuộc đụng độ thường xuyên giữa các băng nhóm tội phạm tranh chấp các tuyến đường buôn bán ma túy.

Tổng thống Guillermo Lasso đã tuyên chiến với các băng đảng kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy, khiến hàng loạt tội phạm liên quan đến ma túy đã bị bắt giữ nhưng bạo loạn cực đoan trong tù khiến hơn 400 tù nhân nước này thiệt mạng kể từ năm 2021. Vào tháng 11-2022, ông Lasso đã tuyên bố tình trạng ngoại lệ ở 2 tỉnh sau khi cảnh sát bị sát hại và giám thị bị bắt làm con tin. Ecuador đã chứng kiến tỷ lệ giết người tăng từ 14 trên 100.000 dân vào năm 2021 lên 25 trên 100.000 vào năm 2022. Năm ngoái, Đài truyền hình RTS đã bị tấn công bằng súng và vào năm 2020, một quả bom đã phát nổ tại Teleamazonas.

Với sự gia tăng của tội phạm có tổ chức, một số băng đảng địa phương như Lobos và Los Tiguerones ngày càng lớn mạnh. Cả hai băng đảng đều có liên hệ với băng đảng Jalisco Thế hệ mới của Mexico và chịu trách nhiệm về các cuộc bạo loạn chết người trong tù. Bộ Tư pháp nước này coi băng đảng Jalisco là “1 trong 5 tổ chức tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới”.