Duy tu, bảo trì đường: Nhiều khâu còn bị buông lỏng

ANTĐ - Từ năm 2013, người dân bắt đầu phải đóng phí sử dụng đường bộ để duy tu, bảo dưỡng đường sá với lời hứa chất lượng đường sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém.

Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã từng gây nhiều bức xúc trong dư luận

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nhìn nhận, chất lượng các công trình giao thông thời gian gần đây dù không xảy ra các sự cố nghiêm trọng, nhưng kết quả đạt được không bền vững. Trong khi đó, việc bảo trì đường bộ hiện còn bộc lộ nhiều bất cập. Việc giám sát, kiểm tra nghiệm thu thanh toán còn nhiều hạn chế, chưa chuẩn xác, thiếu minh bạch cũng như chưa đáp ứng được việc ngăn ngừa xuống cấp của công trình.

“Tổng cục ĐBVN mới chỉ tập trung xử lý hư hỏng cục bộ để đảm bảo giao thông chứ chưa thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định. Điều này dẫn đến việc sửa chữa chưa đáp ứng được yêu cầu kéo dài tuổi thọ của công trình”, ông Quyền nhận định. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu, từ năm 2013, Tổng cục ĐBVN phải đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ. “Dứt khoát bỏ cơ chế khoán bảo trì cho các công ty như hiện nay và ký hợp đồng bảo trì với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông. Có như vậy mới đổi mới được phương tiện kỹ thuật cũng như con người để nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong bảo trì”, ông Thăng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, từng đoạn, tuyến đường phải được lập hồ sơ cụ thể  như đưa vào sử dụng thời điểm nào, đã được sửa chữa mấy lần, đơn vị nào bảo dưỡng… để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như xử lý trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị, trong thời gian tới, cần cương quyết khắc phục tình trạng chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo, đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương, đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm. Với các dự án giao thông quan trọng khác: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Lạch Huyện, các dự án mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 14, quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên), phấn đấu hoàn thành và thông xe bước 1, đoạn qua Thái Nguyên vào tháng 6-2013 và hoàn thành toàn tuyến vào tháng 12-2013. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 12-2013. 

Để chất lượng các công trình giao thông được đảm bảo, an toàn, đúng tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu, các đơn vị thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc đánh giá và công bố năng lực các đơn vị tham gia dự án: Chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu, Ban quản lý dự án… để lựa chọn đơn vị tham gia, công bố các đơn vị không đủ điều kiện tham gia hoạt động xây dựng ngành GTVT. Bên cạnh đó, chấn chỉnh chất lượng công tác lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, thẩm định, thẩm tra dự án để lựa chọn được giải pháp thiết kế, kết cấu công trình, kiến trúc hợp lý; đảm bảo các tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật của dự án; đảm bảo chất lượng công trình, không vì nguyên nhân hạn chế về vốn mà ảnh hưởng đến chất lượng công trình.