Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Hô hào quyết tâm rồi lại chậm tiến độ

ANTĐ -Sáng mùng 6  Tết Nguyên đán 2016, trên công trường thi công Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, chủ đầu tư cùng nhà thầu đã rầm rộ ra quân với quyết tâm đưa tuyến đường về đích vào cuối năm nay. 

Tuy nhiên, đến hiện tại, tuyến đường sắt này tiếp tục chậm tiến độ, dù Tổng thầu EPC Trung Quốc đã nhiều lần hứa hẹn. “Hiện tổng thầu đang nợ các thầu phụ Việt Nam khoảng 400 tỷ đồng. Vấn đề bây giờ chỉ thiếu tiền, có tiền sẽ giải quyết được tất cả…”, đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc thừa nhận.

Nguyên nhân thiếu tiền là do công tác giải ngân dự án, do tổng thầu. Hiện nay việc xin tăng 19 triệu USD tổng mức đầu tư chưa được phía Trung Quốc chấp thuận nên không có tiền để giải ngân, gây khó khăn cho công tác triển khai dự án. Tổng thầu EPC Trung Quốc nhận toàn bộ lỗi này về phía mình.

​Đường sắt Cát Linh- Hà Đông tiếp tục có nguy cơ vỡ tiến độ do thiếu tiền

Ngày 6/3 tới đây, ông Chu Hằng Vũ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc sẽ sang Việt Nam làm việc với Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án, qua đó sẽ có những trao đổi rõ ràng hơn về việc chuyển tiền cho dự án. Cùng đó, tổng thầu sẽ làm việc thêm với các bộ, ngành Trung Quốc để có biện pháp hỗ trợ giải ngân…

Ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) bức xúc cho biết, khi ra quân dự án hôm mùng 6 Tết, tổng thầu đã hứa đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng nhanh được vài ngày lại chậm. Lãnh đạo và trưởng tư vấn giám sát không thường xuyên ở Việt Nam để điều hành dự án. Mỗi tháng 2 vị trí này đều về nước 1 lần, kéo dài tới 2-3 tuần… tổng thầu thì nại ra, "vắng lãnh đạo nên dự án không triển khai được".

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) kiến nghị, lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, ngân hàng Trung Quốc để tìm hướng giải quyết dòng tiền đảm bảo thi công, tránh nguy cơ “vỡ” tiến độ dự án.

Nhấn mạnh với tổng thầu Trung Quốc và các thầu phụ về mục tiêu của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường “chốt”, cuối năm 2016 dự án phải kết thúc và đưa tuyến đường sắt đi vào vận hành. Theo ông Trường, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Cục 6 Đường sắt Trung Quốc yêu cầu lãnh đạo sang Việt Nam điều hành dự án và họp giao ban dự án để giải quyết tình hình tài chính của tổng thầu đang gây khó khăn cho dự án.