Đường dây tiêm vaccine Covid-19 giả ở Ấn Độ bị phát hiện như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng nghìn người đã trở thành nạn nhân của những đường dây lừa bán vaccine Covid-19 giả ở Ấn Độ. Họ cứ tưởng đã được tiêm vaccine phòng dịch, nhưng nào ngờ đó chỉ là nước muối sinh lý hoặc kháng sinh trị nhiễm trùng...
Ấn Độ đã đóng cửa bệnh viện trong đường dây tiêm vaccine Covid-19 giả

Ấn Độ đã đóng cửa bệnh viện trong đường dây tiêm vaccine Covid-19 giả

Khi kẻ bán vaccine bị bắt

Năm ngoái, do nhiễm virus SARS-CoV-2 mà ông Pramod Kumar - Giám đốc Ngân hàng Baroda (chi nhánh Malad ở Mumbai) phải thở oxy trong 9 ngày. Chưa hết, 7 đồng nghiệp khác của ông cũng đã bị nhiễm bệnh khiến họ phải luôn cảnh giác khi tiếp xúc với khách hàng. Vì vậy, vào tháng 4-2021, khi Mahendra Pratap Singh - một khách hàng lâu năm vốn làm trong ngành y tế đề nghị tiêm phòng - ông Kumar đã không bỏ qua cơ hội.

Theo lịch trình, các nhân viên ngân hàng và gia đình sẽ được tiêm chủng tại Bệnh viện Shivam. Họ gồm khoảng 40 người, giá tiêm là 800 Real/mũi. Khi liều tiêm thứ hai được chuyển đến ngân hàng vào ngày 25-5, Mahendra Pratap Singh và 2 người khác xuất hiện với các lọ vaccine đựng trong thùng đá. Các nhân viên ngân hàng chỉ thấy vaccine đề Co-WIN nhưng không nghi ngờ gì về nó. Lạ một điều, 40 người đã tiêm nhưng không nhận được giấy chứng nhận tiêm chủng. Khoảng 20 ngày sau, một nhân viên ngân hàng đọc tin trên ứng dụng WhatsApp nói về vụ bắt giữ kẻ lừa đảo tiêm vaccine giả, nghi phạm chính là Singh. “Khi được tiêm, chúng tôi không nghi ngờ gì cả. Người đàn ông này làm việc trong ngành y tế, có tài khoản ngân hàng với chúng tôi từ năm 2013. Chúng tôi tin tưởng anh ta, vậy mà…” - ông Kumar nói.

Các nhân viên của Ngân hàng Baroda được cho là một trong những nạn nhân đầu tiên của Singh và đồng bọn - những kẻ thuộc đường dây tổ chức tiêm vaccine giả trên khắp Mumbai (bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ). Cho đến nay, cảnh sát đã thống kê được 2.680 nạn nhân và thu nhập của băng đảng này là hơn 35.000 USD.

Bệnh viện và nhân viên y tế tiếp tay

Đứng đầu đường dây này là Mahendra Pratap Singh (39 tuổi). Bỏ học từ lớp 10 nhưng Singh đã làm việc trong ngành y 15 năm với tư cách là thư ký của Hiệp hội Y khoa Malad. Công việc đó đã giúp người đàn ông này tiếp cận với 2.000 bác sĩ, đại lý dược phẩm và nhân viên tiếp thị y tế. Vụ lừa đảo bắt đầu ngay sau khi hiệp hội sa thải Singh vào tháng 4-2021 vì lợi dụng tên tuổi và cơ sở của họ.

Trong đường dây này phải kể đến đó là bác sĩ Shivraj Pataria - chủ Bệnh viện Shivam và vợ ông ta là Neeta, họ có quan hệ mật thiết với Singh. Vợ chồng Pataria đã giao cho Manish Tripathi điều hành Trung tâm Kế hoạch giáo dục tri thức thuê địa điểm tại Bệnh viện Shivam. Tripathi tuyển dụng 3 sinh viên trẻ độ tuổi 19-20 để vận chuyển và quản lý vaccine. Là một trong những bệnh viện tư nhân được phép tiêm chủng, Bệnh viện Shivam đã nhận 23.350 liều vaccine từ chính phủ với giá 150Rs/liều và báo cáo đã sử dụng 22.826 liều. Số còn lại, cảnh sát Mumbai tin rằng bệnh viện giữ riêng để cung cấp cho các chi nhánh tiêm lừa đảo trong những ngày đầu. Về sau, bọn họ đã giữ lại các vỏ lọ vaccine, bơm nước muối sinh lý vào rồi tiếp tục tiêm cho khách hàng.

Trong khi đó, bạn của Singh là Sanjay Gupta - một người quản lý sự kiện - được cho là đã giúp sắp xếp các chuyến đi, lên lịch và tính toán hậu cần. Ngoài ra, Rajesh Pandey - Giám đốc tiếp thị của Bệnh viện Kokilaben Dhirubhai Ambani cũng tham gia đường dây này giữ vai trò tuyên truyền rằng, bệnh viện đứng sau các đợt tiêm chủng. Đợt tiêm chủng đầu tiên được Singh và đồng bọn thực hiện là ngày 23-4, thời điểm Ấn Độ chưa cấp phép cho các cơ sở tiêm chủng tư nhân. Đến ngày 6-6, đường dây này đã tổ chức được 10 đợt tiêm vaccine. Theo quy định, các bệnh viện tư nhân phải ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với cơ quan nhà nước về tổ chức cơ sở tiêm chủng và báo cho chính quyền địa phương, nhưng tất cả các chi nhánh của đường dây trên đều không có bất kỳ giấy tờ nào cả.

Các nạn nhân bị lừa sau này đều nhận ra họ thiếu hiểu biết về quy định chung, cộng với sự sốt ruột muốn tiêm vaccine sớm. Tuy nhiên, nhà chức trách chỉ nhận ra dấu hiệu đáng ngờ sau đợt tiêm rầm rộ cho cư dân sống ở khu căn hộ cao cấp ở Kandivali hôm 30-5. Khi người dân yêu cầu cấp giấy chứng nhận tiêm chủng, băng nhóm đã cấu kết với nhân viên có quyền truy cập vào chương trình tiêm chủng nhà nước Co-WIN. Nhưng nhóm này lại nhập sai ngày giờ cho đợt tiêm chủng. Vì thông tin đăng nhập sai nên mỗi giấy chứng nhận tiêm chủng lại mang tên bệnh viện khác nhau. Cuối cùng, màn kịch lừa đảo đã bị bại lộ.

Dù có ngày tiêm tới 8 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng hiện Ấn Độ mới tiêm chủng được cho gần 5% dân số

Dù có ngày tiêm tới 8 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng hiện Ấn Độ mới tiêm chủng được cho gần 5% dân số

Phương hướng giải quyết

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Tope cho biết, cơ quan chức năng đang cân nhắc xét nghiệm kháng thể trên tất cả 2.680 nạn nhân của vụ lừa đảo này, sau đó sẽ lập kế hoạch tiêm chủng thích hợp. Ashish Shetty - Giám đốc khu vực của Công ty bảo hiểm RenewBuy.com cho biết, công ty ông đã cho nhân viên tiêm vaccine qua đường dây của Singh, và ông đã thử xét nghiệm kháng thể vì tò mò. “Thử nghiệm cho thấy mức độ kháng thể tốt. Nhưng tôi không biết liệu mình có mắc phải Covid-19 mà không có triệu chứng hay không, hay là do vaccine mà tôi nhận được là chính hãng”.

Ấn Độ đã bị tàn phá nặng nề bởi làn sóng Covid-19 thứ 2 từ tháng 4 đến đầu tháng 6, với trên 30,5 triệu ca mắc và ít nhất 400.000 trường hợp tử vong. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 5, các ca mắc mỗi ngày đã giảm dần. Đến nay, đã có hơn 62 triệu người (khoảng 4,5% dân số Ấn Độ) được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Ngay sau khi đường dây tiêm vaccine Covid-19 giả bị phanh phui, chính quyền thành phố Mumbai đã phong tỏa Bệnh viện Shivam và thu hồi giấy phép hoạt động. Cho đến nay, 14 người có liên quan đã bị bắt giữ với cáo buộc gian lận, âm mưu giết người và các tội danh khác. Cảnh sát Ấn Độ có thể sẽ bắt thêm nhiều người nữa trong quá trình mở rộng điều tra.

Nhưng không chỉ ở Mumbai, cảnh sát Kolkata cũng đã bắt giữ một người đàn ông 28 tuổi tự nhận là công chức nhà nước, có bằng thạc sĩ về di truyền học, điều hành 8 cơ sở tiêm chủng. Ít nhất 250 người khuyết tật và chuyển giới đã được tiêm vaccine giả tại một trong số các cơ sở này. Tổng cộng đã có gần 500 người được cho là đã bị tiêm phải vaccine ngừa Covid-19 giả ở thành phố Kolkata. Các nạn nhân ở đây lo ngại rằng, họ đã bị tiêm Amikacin - một loại thuốc kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng, bao gồm viêm màng não, nhiễm trùng máu, xương và tiết niệu. Dù chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra vì vaccine Covid-19 giả, nhưng trong văn bản trả lời đơn của các công tố viên ở Mumbai, ông Kulkarni - Chánh án Tòa án tối cao Bombay đã gọi vụ án này là “thực sự gây sốc”. Ông đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương “cần đảm bảo rằng không để những cơ sở tiêm chủng giả như vậy tái diễn, để những cá nhân vô tội không bị lừa trong tương lai”.

Cuộc chiến chống Covid-19 của Ấn Độ thêm phần rối ren bởi đội quân lừa đảo xuất hiện từ đầu đại dịch và luôn nghĩ ra những chiêu trò mới. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, chất khử trùng và khẩu trang được bán với giá cao hơn, đôi khi hàng đắt mà lại là đồ “rởm”. Tới đợt dịch thứ hai gần đây, nhà chức trách liên tục phanh phui các hành vi bán thuốc giả, thiết bị bảo hộ tái chế, bình chữa cháy ngụy trang thành bình oxy và bây giờ là vaccine ngừa Covid-19 giả…