- Nhìn Schooling, buồn cho Hoàng Quý Phước
- Siêu kình ngư Michael Phelps thua VĐV đến từ "vùng trũng" Đông Nam Á
- Kình ngư Đông Nam Á tạo địa chấn tại Olympic
Trước giờ rời Brazil về nước, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn trải lòng về lùm xùm cán bộ tranh suất Olympic của bác sỹ. Ông Phấn đồng tình ý kiến số lượng 3 bác sỹ đi kèm 23 VĐV là quá ít nhưng cho rằng đó là vì giới hạn mà BTC Olympic đặt ra và không còn lựa chọn nào khác.
Singapore chăm sóc cho VĐV của mình tại Olympic và nhờ đó, Schooling có cuộc lật đổ vĩ đại trước siêu kình ngư Michael Phelps
Trông người...
Hãy nhìn sang Singapore, quốc gia cùng Đông Nam Á và cũng vừa có tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử nhờ VĐV bơi Schooling, để thấy họ hỗ trợ VĐV của mình như thế nào. Để giải quyết vấn đề giới hạn số lượng thành viên đoàn mà chủ nhà Brazil đặt ra, thể thao Singapore đã xây dựng một khu nhà chức năng chuyên biệt có tên Singapore House (nằm cách Làng Olympic 5km, giao thông thuận tiện) để phục vụ tất cả các VĐV của mình thi đấu tại Olympic.
Trước giờ Olympic khởi tranh, Đảo quốc sư tử gửi sang Singapore House chuyên gia cùng hàng loạt trang thiết bị tối tân, thực phẩm an toàn. 3 nhân viên vật lý trị liệu, 3 nhân viên massage, 1 bác sĩ và 1 y tá luôn trong trạng thái sẵn sàng giúp Schooling cũng như các VĐV Singapore phục hồi nhanh chóng để có trạng thái sung sức nhất trước khi tranh tài.
Bản thân Schooling còn được trợ giúp đắc lực bởi kỹ sư sinh học Ryan Hodierne, chịu trách nhiệm quay phim khi Schooling và những đối thủ của anh thi đấu. Đó là một phần nguyên nhân giúp tay bơi 21 tuổi này đánh bại “tượng đài” Michael Phelps đầy thuyết phục trên đường đua 100m bướm nam. Các chuyên gia y tế tại Singapore House còn có 6 giường điều trị chấn thương, 3 chiếc thảm tập ngoài trời, máy siêu âm, 2 máy hỗ trợ kích thích cơ bắp, 2 bộ quần áo nén tập phục hồi, 1 vali chứa đầy đủ dụng cụ y tế, 1 bồn tắm nước đá di dộng...
Với chuyện ăn uống, 2 đầu bếp từ Singapore sang Brazil, cung cấp hơn 88 món ăn trong thực đơn suốt Olympic. Chuyên gia dinh dưỡng Cheryl Teo cùng các cộng sự còn mang sang Brazil 100 chai nước ép củ cải đường, 80 gói đậu nành cùng hàng loạt thực phẩm khác, đảm bảo VĐV luôn có những bữa ăn ngon miệng, đủ chất và không lo ngại về… độ an toàn. Khi các VĐV có tâm trạng không tốt, bác sĩ tâm lý Zhao Jinhong sẵn sàng lắng nghe họ để đưa ra những lời khuyên bổ ích. Nếu cần thư giãn, Singapore House có bàn billiard, TV màn hình lớn, máy chơi playstation, hồ bơi… để VĐV giải trí sau giờ thi đấu căng thẳng.
...Và ngẫm mình
Vậy còn VĐV Việt Nam thì sao? Một võ sỹ môn vật (xin không nêu tên) trước giờ sang Olympic tâm sự với phóng viên rằng các VĐV khác đều có thực phẩm dinh dưỡng bổ sung sau khi giảm cân, có chuyên gia vật lý trị liệu riêng thì các VĐV Việt Nam hầu hết đều phải tự chăm sóc mình, chăm sóc lẫn nhau qua những bài xoa bóp… truyền miệng. VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh không ít lần tâm sự rằng anh rất tủi thân bởi trong khi các đối thủ như Lee Chong Wei (Malaysia) chẳng hạn, có tới 5 chuyên gia đi kèm ở các giải đấu để chăm sóc sức khỏe, tâm lý và tư vấn chuyên môn thì anh phải lủi thủi một mình. Tại Olympic Rio cũng vậy, cả Tiến Minh và Vũ Thị Trang đều “đơn thương độc mã” trong cuộc đấu với các tay vợt sừng sỏ nhất hành tinh.
Vấn đề thực phẩm, ngoại trừ đội tuyển bóng đá dự AFF Cup, chưa một giải đấu nào mà VĐV Việt Nam có đầu bếp đi kèm. Chế độ dinh dưỡng đều phải phó mặc nước chủ nhà “cho gì, ăn nấy”. Trước mỗi chuyến đi, các VĐV đều phải tự chuẩn bị thực phẩm để lỡ có không hợp khẩu vị còn có cái chống đói.
Cùng với thực phẩm, chuyên gia tâm lý là vấn đề muôn thuở mà lãnh đạo thể thao vẫn thường “rút kinh nghiệm”… từ giải này qua giải khác. Thạch Kim Tuấn thua vì tâm lý, điều này được các chuyên gia và chính HLV trưởng của anh thừa nhận. Vấn đề tâm lý cũng được xem là điểm yếu cố hữu của lực sỹ trẻ này. Thế nhưng, nó đã không được giải quyết dù cả ngành thể thao đặt chỉ tiêu huy chương cho Kim Tuấn.
Thể thao đỉnh cao không phải chỉ cần… nằm chờ sung rụng, mà nó phải là sự đầu tư bài bản, dài hơi và quyết liệt. Chỉ có vậy mới mong duy trì và thăng tiến vị trí trên bản đồ thể thao thế giới. Tiếc là, trong khi Singapore đầy tự tin hướng tới những tấm huy chương Olympic 2020 thì chúng ta vẫn còn tự ru ngủ nhau với những thành công kiểu như của “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình – VĐV đi bộ vô địch SEA Games 2013 nhờ đi chân trần vì… không quen đi giày chuyên dụng, hay kỳ tích tập chay, tập bia giấy mà thi đấu bia điện tử vẫn vô địch của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.