Vận tải xe khách liên tỉnh:

Đụng đâu vi phạm đó

ANTĐ - Đón trả khách không đúng quy định, phóng nhanh, tranh giành khách… khiến hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội diễn biến ngày một phức tạp. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh cho sự xuống cấp của loại hình vận tải này.

Thường xuyên phạm luật

Xe khách liên tỉnh vi phạm Luật Giao thông

Ông Nguyễn Hồng Đạt, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, toàn TP có 550 tuyến xe, xuất phát chủ yếu từ 6 bến xe lớn đi các tỉnh. Trung bình mỗi ngày có đến gần 4.000 xe xuất bến, tăng gấp 3 lần so với thời gian trước đây. Cũng chính vì sự gia tăng nhu cầu đi lại, gia tăng của số đầu xe khách liên tỉnh mà hoạt động này đang có xu hướng xuống cấp nghiêm trọng.

Thống kê từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 vụ TNGT liên quan đến xe chở khách làm 18 người chết và 20 người bị thương. Thượng tá Đào Vĩnh  Thắng, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội cho biết, cũng trong khoảng thời gian trên, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 8.013 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 17 xe và 1.649 bộ giấy tờ. Đặc biệt, có đến hàng trăm trường hợp bị tước giấy phép lái xe như tại bến xe Mỹ Đình xử lý 824 trường hợp, tước 137 GPLX, bến xe phía Nam xử lý hơn 1.300 trường hợp, tước 315 GPLX… Còn tính riêng lực lượng Thanh tra GTVT, từ đầu năm đến nay đã lập biên bản xử lý 4.173 trường hợp xe khách vi phạm, phạt tiền hơn 1,5 tỷ đồng, tạm giữ 124 lượt xe.

“Các xe khách liên tỉnh thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách. Nhiều DN khoán thẳng cho lái xe, không có sự quản lý, dẫn đến tình trạng cò mồi bắt khách. Lái xe ý thức chấp hành luật kém, không tuân thủ, không chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ. Thậm chí, còn có những trường hợp chống đối”, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội nhận định. Cũng bởi vậy mới dẫn đến tình trạng nhiều tuyến, các xe thường xuyên vi phạm dừng đón trả khách sai quy định như Xí nghiệp Xe khách phía Nam, hay tất cả các xe chạy tuyến Nam Định đều dừng giữa đường Giải Phóng để đón khách, dù lực lượng chức năng đã xử phạt rất nhiều lần.

Sẽ đình chỉ, “cắt nốt” đầu xe vi phạm

Bức xúc trước thực trạng này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe và DN kinh doanh đang xuống cấp, nhất là ý thức của lái xe rất kém. Nhiều DN không quan tâm tới thương hiệu, mà chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu “nốt”, nhượng lại với giá bao nhiêu… gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi việc sử dụng lái xe vô cùng lỏng lẻo. DN này thải ra, DN khác lại thu vào, dễ hiểu vì sao các lái xe sẵn sàng vi phạm.

“Đáng lên án, có những lái xe vi phạm luật trắng trợn, đe dọa lực lượng chức năng, hay có những xe khách được bảo kê, thậm chí, lực lượng Thanh tra GT xử lý 1 trường hợp xe khách vi phạm mà có rất nhiều cá nhân xin, trong đó có cả cơ quan quản lý nhà nước”, ông Linh phản ánh. Bởi vậy, vận tải hành khách liên tỉnh vô cùng phức tạp, nhiều trường hợp cơ quan chức năng thường xuyên bị côn đồ, xã hội đen đe dọa như cán bộ Sở GTVT Hải Phòng. 

Nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này, Thượng tá Đào Vĩnh Thắng cho rằng, một phần do việc đào tạo, sát hạch, đặc biệt là giáo dục đạo đức, ý thức cho lái xe còn bị xem nhẹ. Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu, các DN cần làm ngay từ gốc, khi bắt đầu tuyển dụng. Ngoài ra, Thượng tá Đào Vĩnh Thắng cũng kiến nghị, với những xe vi phạm nhiều lần, nên đình chỉ “cắt nốt” số đầu xe đó, chứ không phải chỉ tước GPLX. Thậm chí, nếu xe của DN vi phạm nhiều lần, sẽ đình chỉ kinh doanh, có vậy mới đảm bảo các DN và lái xe tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Ông Linh cũng cho rằng, nếu không xử lý triệt để tới tận DN thì không bao giờ lập lại được trật tự giao thông, bởi đầu xe mới là “nồi cơm” của DN, còn lái xe bị đuổi, có thể tuyển lao động khác thay thế.