Đức cảnh giác trước nguy cơ tấn công khủng bố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas và các cuộc tấn công đơn lẻ gần đây, chính quyền Đức ngày càng đối mặt với những nguy cơ khủng bố phức tạp.
Vấn đề tội phạm có động cơ chính trị đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh của Đức

Vấn đề tội phạm có động cơ chính trị đang được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh của Đức

Một số vụ việc riêng lẻ nhưng gây chấn động lớn khiến vấn đề tội phạm có động cơ chính trị được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh của Đức. Mối lo ngại mới đây lại xuất hiện sau vụ tấn công bằng dao hôm 2-12 ở Thủ đô Paris của Pháp khiến một du khách người Đức thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Nghi phạm là một người đàn ông từng có tiền án, có vấn đề về sức khỏe tâm thần và đã cam kết trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Tin tức này gợi lại những ký ức về năm 2016 khi một đối tượng - cũng được cho là có liên quan tới IS - lái xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin. Vụ tấn công đã khiến 13 người thiệt mạng và kẻ tấn công sau đó đã bị cảnh sát Italia bắn hạ.

Ông Thomas Haldenwang, Tổng Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), gần đây cho biết, nước Đức hiện đang đối mặt “với tình hình phức tạp và đầy đe dọa do các cuộc khủng hoảng song song”. Ngoài mối lo từ những phần tử Hồi giáo cực đoan hay kẻ theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng, ông Haldenwang cho rằng, xung đột Hamas - Israel, vốn gây chia rẽ trên khắp các xã hội châu Âu sẽ là chất xúc tác làm tăng tính nhạy cảm cho an ninh.

Khủng bố là một loại tội phạm có động cơ chính trị và việc đánh giá chính xác mối đe dọa này không đơn giản. Tính đến ngày 4-12, Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã thống kê được 4.200 hành vi phạm tội liên quan đến các sự kiện ở Trung Đông kể từ ngày 7-10, một bên là kích động chống Israel - bài Do Thái, còn bên kia là lên án hành động của lực lượng Hamas. Nhưng người phát ngôn của BfV cho rằng, vấn đề là rất khó phân biệt đâu là những người biểu tình ôn hòa thực hiện các quyền cơ bản của họ và đâu là những kẻ cực đoan bạo lực có thể gây ra mối đe dọa thực sự cho an ninh công cộng. Bên cạnh đó, nếu chỉ chú trọng vào những nghi phạm có tư tưởng tôn giáo cực đoan hay chống đối thế giới Ả Rập thì rất có thể những đối tượng khác lại bị bỏ qua. Ví dụ, ở Paris, các nhà điều tra đang xem xét liệu những bức vẽ graffiti chống Do Thái có liên quan đến tình báo Nga hay tội phạm có tổ chức của Moldova hay không.

Tính đến giữa năm 2022, BKA báo cáo có hơn 1.000 người trong diện lo ngại có liên quan đến khủng bố Hồi giáo. Trong đó, hàng trăm người bị nhà chức trách nghi ngờ có khả năng phạm tội hoặc hỗ trợ các tội ác có động cơ chính trị. Tuy nhiên, những lo ngại về an ninh hiện tại vượt xa các loại mối đe dọa này, khiến các liên đoàn cảnh sát và các đảng phái chính trị kêu gọi tăng cường an ninh, phô trương vũ lực mạnh mẽ hơn và luật pháp nghiêm ngặt hơn, trước hết nhắm đến các nhóm người nhập cư và thiểu số.

Ông Jonas Grutzpalk, nhà phân tích an ninh nội địa cho rằng: “Tình báo trong nước có lẽ đang quan sát thấy sự phẫn nộ ở những hiện tượng mà họ giám sát. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể biết chính xác khi nào sự phẫn nộ đó sẽ thể hiện bằng lời nói và khi nào nó chuyển thành hành vi bạo lực”. Tuy nhiên, ông Grutzpalk nói rằng, ngăn chặn những kẻ khủng bố là một chuyện, nhưng ngăn chặn họ trở thành những kẻ khủng bố ngay từ đầu lại là chuyện khác. Ông hy vọng rằng các biện pháp phòng ngừa dựa vào cộng đồng, không chỉ tăng cường an ninh, sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ liên bang và tiểu bang vào tuần này.

Trong khi đó, hôm 5-12, Ủy viên phụ trách Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU), bà Ylva Johansson cũng cảnh báo EU phải đối mặt với “nguy cơ tấn công khủng bố rất lớn” trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới. Kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7-10 vừa qua, nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước châu Âu, ghi nhận xu hướng gia tăng các vụ việc chống người Do Thái và Hồi giáo. Bà Johansson thông báo EU sẽ cấp thêm 30 triệu euro (khoảng 32,4 triệu USD) để “bảo vệ những địa điểm tôn giáo”. Bà Nancy Faeser kêu gọi sự hợp tác của các nước láng giềng để có thể đối phó với nguy cơ này.