Châu Phi đang là một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế
Bất chấp những cuộc đánh bom đẫm máu cùng cảnh báo nguy cơ khủng bố tại Nigeria, hơn 900 đại biểu là lãnh đạo chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổ chức xã hội, học giả… đã tề tựu về Thủ đô Abuja để dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về châu Phi diễn ra trong 3 ngày từ 7 đến 9-5. Đây là lần đầu tiên WEF được tổ chức tại Nigeria, quốc gia nay đã thay thế Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên Lục địa đen với tổng thu nhập quốc dân (GDP) hơn 500 tỷ USD.
Trong 3 ngày thảo luận, các đại biểu dự diễn đàn sẽ tập trung vào bức tranh toàn cảnh tăng trưởng kinh tế của châu Phi cùng những tiến bộ đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo tại khu vực cận sa mạc Sahara. Trong đó, chương trình chính mà diễn đàn muốn đặt ra với châu Phi trong năm 2014 dựa trên 3 trụ cột: Thúc đẩy nhanh sự chuyển hóa xã hội, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác và thiết kế lại mô hình tăng trưởng.
WEF về châu Phi năm nay diễn ra trong bối cảnh Lục địa đen đang trở thành một tâm điểm chú ý của các cường quốc và giới đầu tư quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, châu Phi - lục địa có 54 quốc gia với gần 1 tỷ dân và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD cùng nhiều tiềm năng tăng trưởng - đang là một nơi mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Không chỉ có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của thế giới (3%) và cao hơn nhiều so với các trung tâm kinh tế như Liên Minh châu Âu (EU) - 0,6% hay và Mỹ 1,8%... châu Phi còn đặc biệt hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, riêng trữ lượng crom chiếm 85% thế giới, trữ lượng mangan chiếm 80%, trữ lượng vàng chiếm 50%, ngoài ra nhiều nước trong châu lục còn có trữ lượng dầu mỏ lớn.
Trước đây, các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản là những nước đi đầu tới châu Phi khai thác nguồn nguyên nhiên liệu. Nhưng từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 lợi dụng khó khăn của Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc đã ào ạt, mở cuộc “thập tự chinh” tiến quân sang châu Phi mà phương Tây đã lên tiếng cho rằng đó là “chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc ở châu Phi”.
Ngay trong thời điểm diễn ra WEF về châu Phi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang thực hiện chuyến thăm chính thức đến 4 nước châu Phi là Ethiopia, Nigeria, Angola và Kenya từ ngày 4 đến 11-5. Trong chuyến thăm, ông Lý Khắc Cường đã công bố viện trợ bổ sung ít nhất 12 tỷ USD cho châu Phi, đồng thời đề nghị chia sẻ công nghệ tiên tiến với lục địa đen này nhằm giúp phát triển tuyến đường sắt cao tốc để thực hiện hóa “giấc mơ” toàn bộ các thủ đô của châu Phi đều được kết nối bằng đường sắt cao tốc.
Không muốn chậm chân, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã khẳng định tại hội nghị 2 ngày về phát triển châu Phi tại Cameroon ngày 5-5 về việc Tokyo sẽ cung cấp viện trợ trị giá tới 3.200 tỷ Yen (tương đương 32 tỷ USD) cho châu Phi trong giai đoạn 5 năm tính từ năm 2013. Ngay trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã tới thăm các nước Ethiopia, CHDC Congo, Angola từ ngày 29-4 đến 1-5 và đồng chủ trì kỳ họp thứ 4 của diễn đàn Đối thoại cấp cao Mỹ - Liên minh châu Phi (AU) để tăng cường hợp tác với Lục địa đen.